23/03/2024 18:41

Có phải xe cứu hỏa được ưu tiên hơn xe cứu thương không?

Có phải xe cứu hỏa được ưu tiên hơn xe cứu thương không?

Tôi thắc mắc rằng khi xe cứu hỏa và xe cứu thương gặp nhau trên đường khi đang làm nhiệm vụ thì xe nào sẽ nhường xe nào? (Minh Kiên - Bình Phước)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Xe cứu hỏa và xe cứu thương, xe nào được ưu tiên hơn?

Theo đó, tại Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về quyền ưu tiên của một số loại xe như sau:

- Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

(1) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

(2) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

(3) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

(4) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

(5) Đoàn xe tang.

- Những xe được quyền ưu tiên kể trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

- Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Như vậy, theo thứ tự quyền ưu tiên mà pháp luật quy định thì xe cứu hỏa được quyền ưu tiên hơn xe cứu thương. Khi hai xe đang làm nhiệm vụ mà giao nhau trên đường thì xe cứu thương phải nhường đường cho xe cứu hỏa đi trước, hoặc khi xe cứu thương và xe cứu hỏa đều đang đi làm cùng một nhiệm vụ thì xe cứu hỏa sẽ được ưu tiên đi dẫn đầu.

2. Vì sao xe cứu hỏa được ưu tiên hơn xe cứu thương?

Xe cứu hỏa được ưu tiên hơn xe cứu thương do tính chất cấp bách và nguy hiểm của công việc chữa cháy. 

Cháy có thể lan nhanh chóng và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong thời gian ngắn. Do đó, việc dập tắt đám cháy càng nhanh càng tốt là vô cùng quan trọng. Xe cứu hỏa cần đến hiện trường nhanh chóng để dập tắt đám cháy, ngăn chặn sự lan rộng và cứu người bị nạn.

Chữa cháy là một công việc nguy hiểm, đòi hỏi lính cứu hỏa phải tiếp xúc với lửa, khói độc, nhiệt độ cao và các nguy cơ khác. Việc ưu tiên cho xe cứu hỏa giúp đảm bảo an toàn cho lính cứu hỏa và những người tham gia giao thông khác.

3. Quy định về việc sử dụng tín hiệu ưu tiên của xe cứu hỏa và xe cứu thương

Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 109/2009/NĐ-CP quy định về việc sử dụng tín hiệu ưu tiên như sau:

- Xe được quyền ưu tiên chỉ được sử dụng tín hiệu ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ; việc sử dụng tín hiệu ưu tiên của từng loại xe được quyền ưu tiên phải bảo đảm đúng quy định tại các Điều 4, 8 Nghị định 109/2009/NĐ-CP như sau:

+ Xe chữa cháy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

+ Xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

- Nghiêm cấm các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không thuộc loại xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng còi, cờ, đèn phát tín hiệu ưu tiên hoặc xe được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên không đúng quy định của Nghị định 109/2009/NĐ-CP.

Như vậy, xe cứu thương, xe cứu hỏa chỉ được sử dụng tín hiệu ưu tiên khi đang làm nhiệm vụ. Mọi hành vi sử dụng tín hiệu ưu tiên mà không nhầm mục đích làm nhiệm vụ thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.

Trân trọng!

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
2679

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn