02/06/2022 17:05

Có phải trả nợ khi đường dây cho vay tiền qua app bị triệt phá không?

Có phải trả nợ khi đường dây cho vay tiền qua app bị triệt phá không?

Những năm gần đây, các ứng dụng vay tiền online đi kèm với thủ tục, điều kiện vay dễ dàng, chớp nhoáng nở rộ. Câu chuyện các app vay tiền đòi nợ bằng các chiêu thức khủng bố tràn lan trên phương tiện truyền thông nhưng số người đâm đầu vay qua app không hề suy giảm. Vậy khi các đường dây cho vay này bị triệt phá thì người vay tiền có phải trả nợ không?

App vay tiền online thực chất là cho vay tín chấp. Người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay.

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự về hợp đồng vay tài sản thì: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."

Như vậy, việc vay tiền qua app thì cũng phải trả nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự.

Nếu người vay chậm trả lãi-gốc  thì có nghĩa vụ phải trả lãi tiền vay theo quy định tại Thông tư  39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 như sau:

“Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.”

Hành vi không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, theo quy định Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì căn cứ vào tính chất, mức độ người vay tiền có thể truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về cùng hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm cho các trường hợp:

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, dù vay tiền qua app hay ngân hàng, tổ chức tín dụng thì đều phải trả nợ.

Như Ý
2105

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn