17/07/2019 07:59

Có phải mọi khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân đều là nợ chung?

Có phải mọi khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân đều là nợ chung?

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, lúc chung sống lại có quá nhiều điều xảy ra mà cả hai nếu không xử lý được thì ly hôn như một giải pháp để giải thoát.

Và từ đây, nhiều vấn đề phát sinh khi ly hôn như chia tài sản, con cái, nợ nần… Nội dung dưới đây sẽ phân tích rằng có phải mọi khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân đều là nợ chung hay không?

Đối với tài sản, thường được chia đôi cho cả hai vợ chồng nhưng có tính đến một số yếu tố theo quy định tại Khoản 2, Điều 59, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (LHNGĐ).

Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Đối với nợ thì không phải mọi khoản nợ hình thành trong quá trình hôn nhân đều là nghĩa vụ chung của hai vợ chồng.

Cụ thể trong bản án 26/2019/HNGĐ-PT về tranh chấp chia tài sản sau ly hôn ngày 09/05/2019 của Tòa án nhân tỉnh Thanh Hóa với nội dung như sau:

Anh T và chị P kết hôn với nhau, trong thời gian chưa ly hôn, anh T thường xuyên vắng nhà do anh T đi bộ đội, đơn vị đóng quân ở xa, chị ở nhà đi dạy học và một mình nuôi hai con nên đã vay của một số đồng nghiệp, người quen như sau:

+ Chị N: 12.000.000 đồng để nuôi con; (1)

+ Vay số tiền là 50.000.000 đồng để sửa nhà;

+ Chị X: 1.000.000 đồng để nộp tiền học cho con; (2)

+ Vay: 14.000.000 đồng để lo việc gia đình, nộp tiền học và thuê nhà trọ cho con; (3)

+ Vay chị C: 2.000.000 đồng; anh K: 1.000.000 đồng; chị L1: 2.500.000 đồng; chị L2: 3.700.000 đồng; chị T: 4.500.000 đồng để nộp tiền học và mua kính mắt cho con. (4)

Vay của bố đẻ là ông D 01 chỉ vàng; vay của mẹ đẻ là bà Y số tiền 5.000.000 đồng; vay của em gái là H số tiền 5.000.000 đồng.

Tổng cộng nợ chung là 103.900.000 đồng.

Chị P đề nghị Tòa án giải quyết, buộc anh T trả lại cho chị một nửa số tiền chị đã vay trong thời kỳ hôn nhân.

Tòa án đã tuyên xử:

Căn cứ theo Điều 37 LHNGĐ 2014 thì trong số nợ kể trên thì đây đều là các khoản chị P đã vay trong thời kỳ hôn nhân khi chưa ly hôn từ năm 2007 đến năm 2016. Tòa án chỉ chấp nhận các khoản nợ (1), (2), (3) và (4) vì nó được thực hiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ chồng phải có trách nhiệm liên đới. Do đó anh phải có trách nhiệm trả ½ số nợ kể trên tương ứng 20.350.000 đồng.

Còn khoản nợ chị mượn gia đình và để sửa nhà thì chị phải có trách nhiệm trả các khoản nợ đó vì nó không được xem là nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu.

Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.

Như vậy, không có quy định nào thể hiện tất cả các khoản nợ hình thành trong quá trình hôn nhân đều là nợ chung. Chỉ có một số khoản nợ thuộc trách nhiệm liên đới quy định tại Điều 27 LHNGĐ 2014 (nợ phát sinh để đáp ứng nhu cầu thiết yếu, nợ phát sinh từ trường hợp kinh doanh chung, hoặc khoản nợ là nghĩa vụ chung theo Điều 37, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm…) thì mới được xem là nợ chung.

Đức Phong
12523

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]