Hiện nay, chương trình mua trả góp lãi suất 0% được rất nhiều nhà bán lẻ áp dụng thực hiện. Tuy nhiên, liệu chương trình này có phải hoàn toàn có lợi cho người tiêu dùng hay không, cùng Ban biên tập tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khái niệm vay trả góp được quy định tại Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN như sau:
Cho vay trả góp là hình thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, theo đó công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận trả nợ gốc và lãi tiền vay theo nhiều kỳ hạn.
Theo đó, chương trình mua trả góp lãi suất 0% thực chất là một hình thức khuyến mại của các nhà bán lẻ khi mua sắm. Phía nhà bán lẻ sẽ hợp tác với các tổ chức tín dụng, sau đó đưa ra chương trình trả góp với lãi suất 0% nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng.
Thông thường, khi mua trả góp lãi suất 0%, người mua cần thanh toán khoảng 20-30% giá sản phẩm, số tiền còn lại sẽ được chi trả đều đặn theo kỳ hạn có trong nội dung hợp đồng đã giao kết, thường thì sẽ là hàng tháng.
Thoạt nhìn thì đây là một hình thức cho vay hoàn toàn có lợi cho người tiêu dùng khi không cần phải trả bất kì một khoản lãi suất nào, tuy nhiên khi mua trả góp lãi suất 0% vẫn sẽ đi kèm một số rủi ro như sau:
+ Thứ nhất, tổng chi phí phải chi trả khi mua trả góp lãi suất 0% thường sẽ cao hơn so với giá gốc của sản phẩm do phải chi trả thêm những khoản phụ phí khác khi trả góp, như phí thu hộ, bảo hiểm, chuyển đổi trả góp…
Lấy ví dụ như khi vay trả góp một chiếc laptop, người vay phải trả phí bảo hiểm và phí thu hộ, dẫn đến tổng số tiền cần để trả cao hơn giá bán chính thức của hàng hóa.
+ Thứ hai, vì phải trả tiền theo định kỳ chọn nên người mua cần phải cân đối tài chính cá nhân một cách hợp lý để đảm bảo trả tiền đúng kỳ hạn, nếu không sẽ phải chịu mức phí phạt khi chậm nộp.
+ Thứ ba, thủ tục vay rắc rối, phức tạp do việc mua trả góp với lãi suất 0% cần phải vay qua tổ chức tín dụng, cho nên người mua cần phải có các giấy tờ CMND, CCCD, hộ khẩu để làm thủ tục vay trả góp...
Bên cạnh đó, người vay sẽ phải kê khai các thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, địa chỉ nơi làm việc, mức lương, ngày nhận lương, và thông tin cùng số điện thoại của người thân, bạn bè.
Do đó, người mua cần đọc kỹ hợp đồng mua trả góp, đặc biệt là khoản tiền phải trả trước khi mua sản phẩm để đối chiếu với mức giá bán của sản phẩm trên thị trường và mức phạt nếu chậm trả góp để hiểu cũng như cân nhắc về khả năng trả nợ của bản thân.
Việc khách hàng chậm trả sẽ phải chịu mức phạt cao, thậm chí còn bị đòi nợ liên tục.
Khi mua hàng trả góp, người mua thường vay tiền tại công ty tài chính. Mặc dù đã có quy định không cho phép khủng bố, đe dọa để đòi nợ, cụ thể theo khoản 2, Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN (sửa đổi khoản 7, Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN) thì biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.
Tuy nhiên thực tế nhiều vụ việc phản ánh về việc người vay bị thu nợ bằng những thủ đoạn khủng bố tinh thần như dọa nạt, thậm chí xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bản thân và những người có mối quan hệ thân quen của người vay.
Trong trường hợp việc thu hồi nợ không tuân theo đúng quy định pháp luật, người dân cần gửi đơn tổ cáo tới cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để giải quyết, hoặc gửi đơn tố cáo lên cơ quan Công an nếu công ty tài chính có những hành vi sử dụng điện thoại, các phương tiện viễn thông để quấy rối, xúc phạm, đe dọa tinh thần,...
Trân trọng!