Bản án 17/2018/HS-ST ngày 16/08/2018 là một ví dụ về xét xử tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi có nội dung như sau:
“Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 08 giờ ngày 25/02/2018, sau khi có uống rượu, bia; bị cáo V đi qua nhà ông Hồ Trương M tại ấp 4, thị trấn 7, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang mục đích rủ ông M nhậu. Khi đến nơi thì ông M vắng nhà còn lại một mình Hồ Lê MS là con gái ông M đang ngủ nên V nảy sinh ý định dâm ô đối với Hồ Lê MS, V đi vào phòng và đến giường nơi S đang ngủ, giở mùng chui vào, S đang nằm quay mặt vào phía trong nên V khom người hôn lên má và môi S, S tỉnh dậy xô V ra. V dùng tay trái nắm hai tay của S và dùng tay phải định kéo áo của S lên thì S phản kháng kéo áo xuống, V tiếp tục dùng tay bóp vào hai vú của S từ bên ngoài áo, sau đó tiếp tục dùng tay kéo quần của S xuống nhưng S kéo quần lên được nên V dùng tay sờ vào vùng bộ phận sinh dục của S bên ngoài quần.
Lúc này, S dùng chân đạp V ra làm V té xuống đất nên V lấy trong túi quần tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng đưa cho S nhưng S không lấy nên V để tiền trên giường và ra về, khoảng 16 giờ cùng ngày, S kể lại cho ông M nghe toàn bộ sự việc.
Tòa án đã xử phạt Nguyễn Văn V 01 (một) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 02 năm.”
Án treo là chế định pháp lí hình sự liên quan đến chấp hành hình phạt. Án treo được hiểu là việc tạm thời miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, hình phạt đối với người vi phạm luật ở mức độ ít nghiêm trọng và thỏa một số điều kiện khác. Đây là chế định đặc biệt của pháp luật để tạo điều kiện cho những người lầm lỡ có cơ hội sửa chữa lỗi lầm mà không bị mất tự do, tự chủ, có thể chăm sóc người thân và ít ảnh hưởng nhất đến cuộc sống hàng ngày. Đồng thời chế định còn cho thấy sự khoan hồng của pháp luật nhà nước việt nam muốn khuyến khích con người sữa chữa lỗi lầm, hướng thiện.
Tuy nhiên đối với một số tội phạm, việc sử dụng án treo hay không đang là một tranh cãi như bản án ở trên. Hiện nay tội phạm xâm hại trẻ em đang có phần diễn biến phức tạp, xuất hiện ở nhiều nơi gây nhiều bức xúc cho dư luận. Riêng trong 6 tháng năm 2019 đã có 8 vụ xâm hại trẻ em, khiến 1 trẻ bị tử vong. Thủ đoạn của các đối tượng tinh vi, lợi dụng mối quan hệ bị lệ thuộc để khống chế, nên trong thời gian dài không bị phát hiện, chỉ đến khi nạn nhân có thai hoặc bị thương tích trên người, bị người thân trong gia đình phát hiện hoặc tố giác, mới thông báo với cơ quan chức năng. Có những trường hợp may mắn tội phạn xảy ra gây ra hậu quả không lớn, không đáng kể nhưng cũng có những trường hợp xảy ra làm hủy hoại cả một cuộc đời đứa trẻ.
Vậy có nên xử án treo đối với các tội phạm xâm hại trẻ em?
Trước hết chúng ta cần biết quy định của pháp luật về án treo. Theo điều 65 Bộ luật hình sự và Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP thì để được hưởng án treo cần có các điều kiện sau:
1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
2. Có nhân thân tốt.
3. Có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định.
5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù.
Trong các vụ án xâm hại trẻ em nói chung cho thấy có vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng cũng có những vụ án ít nghiêm trọng. Đối với ý kiến bỏ án treo đối với những vụ án trên thì bản thân người viết không đồng ý với ý kiến này. Bởi vì:
Thứ nhất, muốn được hưởng án treo, người phạm tội cần đáp ứng nhiều điều kiện theo Bộ luật hình sự 2015 và Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP. Ngoài ra, trong thực tế thường chỉ có người phạm tội lần đầu mới được Tòa án cho hưởng án treo. Vậy nên cho thấy để được hưởng án treo là không dễ dàng.
Thứ hai, chúng ta không thể lường hết những tính chất, mức độ, hành vi của các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em. Bằng chứng là có những trường hợp người bị hại động viên, thôi thúc phạm tội như giao cấu đối với người dưới 16 tuổi khi yêu nhau. Nếu tất cả trường hợp đều không cho họ hưởng án treo có khi là quá nghiêm khắc.
Tuy vậy, gần đây thường xuyên xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em có tính chất tăng về số lượng, phức tạp về tính chất nên để bảo vệ các em ngành Tòa án cần hạn chế cho hưởng án treo đối với các tội này. Thực tế cũng cho thấy đối với những vụ án mà xã hội quan quan tâm, gây nhiều dư luận thì người phạm tội chắc chắn sẽ không được hưởng án treo. Như vậy mới đủ sức răn đe, giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ trẻ em. Đồng thời thay đổi suy nghĩ, nâng cao ý thức của người Việt về một vấn đề bảo vệ trẻ em trước xâm hại đã, đang xảy ra nhưng tới bây giờ qua nhiều vụ việc mới thật sự được chú ý tới.