20/03/2024 16:39

Có mấy hình thức giải quyết tranh chấp hàng hóa không bảo đảm chất lượng?

Có mấy hình thức giải quyết tranh chấp hàng hóa không bảo đảm chất lượng?

Tôi muốn hỏi trường hợp nào được coi là tranh chấp về chất lượng hàng hóa? Có mấy hình thức giải quyết tranh chấp hàng hóa không bảo đảm chất lượng? “Trâm Anh – Nha Trang”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Trường hợp nào được coi là tranh chấp về chất lượng hàng hóa?

Theo Điều 54 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định trường hợp được coi là tranh chấp về chất lượng hàng hóa bao gồm:

- Tranh chấp giữa người mua với người nhập khẩu, người bán hàng hoặc giữa các thương nhân với nhau do sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc thỏa thuận về chất lượng trong hợp đồng.

- Tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng và các bên có liên quan do sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Như vậy, có 02 trường hợp được coi là tranh chấp về chất lượng hàng hóa gồm:

(1) Hàng hóa không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc hợp đồng;

(2) Hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại cho con người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

2. Có mấy hình thức giải quyết tranh chấp hàng hóa không bảo đảm chất lượng?

Theo quy định tại Điều 55 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 thì có 03 hình thức giải quyết tranh chấp hàng hóa không bảo đảm chất lượng bao gồm:

(1) Thương lượng giữa các bên tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

(2) Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thoả thuận chọn làm trung gian;

(3) Giải quyết tại trọng tài hoặc toà án.

Lưu ý: Thủ tục giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại trọng tài hoặc toà án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng trọng tài hoặc tố tụng dân sự.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 thì thời hiệu khiếu nại, khởi kiện đòi bồi thường do sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường là 02 năm, kể từ thời điểm các bên được thông báo về thiệt hại với điều kiện:

- Thiệt hại xảy ra trong thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa có ghi hạn sử dụng;

- Thiệt hại xảy ra trong thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa 05 năm kể từ ngày giao hàng đối với sản phẩm, hàng hóa không ghi hạn sử dụng.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hàng hóa không bảo đảm chất lượng là 02 năm, nhưng phải trong thời hạn sử dụng hoặc thời hạn 05 năm kể từ giao hàng tùy từng trường hợp hàng hóa có ghi hạn sử dụng hay không.

3. Các bên tranh chấp có được quyền chỉ định tổ chức giám định hàng hóa không bảo đảm chất lượng không?

Theo Điều 57 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định như sau:

- Cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp chỉ định hoặc các bên đương sự thoả thuận đề nghị cơ quan, tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm, giám định sản phẩm, hàng hóa tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Căn cứ kiểm tra, thử nghiệm, giám định sản phẩm, hàng hóa tranh chấp bao gồm:

+ Thoả thuận về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong hợp đồng;

+ Tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm, hàng hóa.

Các bên tranh chấp yêu cầu giám định thì bên nào chịu chi phí?

Theo Điều 58 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định chi phí giám định chất lượng hàng hóa như sau:

- Người khiếu nại, khởi kiện phải trả chi phí lấy mẫu và thử nghiệm hoặc giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa tranh chấp.

- Trong trường hợp kết quả thử nghiệm hoặc giám định khẳng định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải trả lại chi phí lấy mẫu và thử nghiệm hoặc giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa tranh chấp cho người khiếu nại, khởi kiện.

Như vậy, các bên tranh chấp có quyền chỉ định hoặc thỏa thuận đề nghị tổ chức giám định, nhưng bên khiếu nại, khởi kiện phải trả trước chi phí giám định và được hoàn trả nếu kết quả chứng minh hàng hóa không đạt chất lượng do lỗi của bên sản xuất, kinh doanh.

Hứa Lê Huy
292

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn