Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:
Hôn nhân đồng giới còn được hiểu là hôn nhân cùng giới, là những người có cùng giới tính như nam với nam, nữ với nữ phát sinh tình cảm với nhau, có nhu cầu được kết hôn, chung sống như vợ chồng và có ước muốn trở thành một gia đình bình thường như bao gia đình khác. Những người này thuộc cộng đồng LGBT và xuất hiện ở đa số các quốc gia trên thế giới.
LGBT là từ viết tắt cho tất cả các xu hướng giới tính của người đồng giới: Lesbian, Gay, Bisexual và Transgender.
Hiện nay đã có không ít các quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, công nhận đây được xem như một cuộc hôn nhân bình thường và không trái với đạo đức con người và xã hội.
Tại khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có giải thích, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Có nghĩa rằng pháp luật Việt Nam chỉ công nhận mối quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ khi đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn như sau:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Và tại khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng đã quy định rằng Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Đây là điều khoản đã được pháp luật Việt Nam điều chỉnh và sửa đổi, trước đó theo như quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì việc hôn nhân đồng giới là trường hợp thuộc một trong số các trường hợp bị cấm kết hôn. Điều đó cho thấy, pháp luật Việt Nam đã có sự nhẹ nhàng hơn đối với các cuộc hôn nhân đồng giới.
Vậy, Việt Nam là một trong số những nước chưa cho phép hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và pháp luật Việt Nam không công nhận hôn nhân đồng giới nhưng cũng không còn cấm các cuộc hôn nhân này.
Tất cả các vấn đề xảy ra trong hôn nhân đồng giới không phải chịu sự ràng buộc của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 bởi vì đây không được công nhận là một mối quan hệ hôn nhân theo đúng pháp luật, nhưng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự hay các luật khác có liên quan đến mâu thuẫn diễn ra trong giai đoạn hôn nhân đồng giới này sẽ đều được áp dụng trong các trường hợp nhất định.
Cho nên, người đồng giới tại Việt Nam có quyền tổ chức đám cưới, chung sống với nhau như vợ chồng và cũng có quyền nhận nuôi con nuôi nhưng không được phép đăng ký kết hôn và cũng sẽ không được bảo vệ bởi pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam.
Châu Âu là nước đi đầu cho công cuộc tiến hành hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và Hà Lan chính là nước đầu tiên tại Châu Âu công nhận hôn nhân đồng giới, họ cho rằng các cuộc hôn nhân này không khác gì các cuộc hôn nhân bình thường giữa nam và nữ.
Theo sau đó là Áo, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và gần đây nhất là Thụy Sĩ và cũng có các nước Châu Á như Australia và New Zealand.