03/05/2019 17:20

Có được tiến hành ly hôn khi một trong hai bên không đồng ý?

Có được tiến hành ly hôn khi một trong hai bên không đồng ý?

Hiện nay, ly hôn dường như đã trở thành cụm từ phổ biến trong cuộc sống thường ngày... Khi cả hai vợ chồng nhận thấy mâu thuẫn trở nên trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được sẽ thuận tình ly hôn để giải thoát cho nhau, bắt đầu cuộc sống mới.

Một trong những vấn đề thường gặp trong giải quyết các vụ việc ly hôn là: chỉ một trong hai mong muốn được ly hôn, đơn phương nộp đơn ra tòa; còn bên kia vẫn một mực không đồng ý ly hôn hay không đến tòa án thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật. Vậy, trường hợp trên tòa án sẽ giải quyết như thế nào?

Tòa án thường sẽ có hai hướng giải quyết khác nhau, điển hình tại 2 bản án sau:

Một là, bản án 53/2018/HN-PT ngày 13/11/2018 về ly hôn, theo đó:

"Anh Nguyễn Tấn T xin ly hôn chị Oanh E nhưng chị Oanh E không đồng ý ly hôn mà có mong muốn hàn gắn với anh T.

Tòa án nhận định rằng: Anh T không chứng minh được lý do xin ly hôn chị Oanh E, trong khi đó chị Oanh E đã nêu được những giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề mà anh T cho là nguyên nhân mâu thuẫn, đồng thời chị Oanh E có thiện chí hàn gắn đoàn tụ vợ chồng để cùng nhau lo cho con. Bên cạnh đó, anh T và chị Oanh E tuy sống nơi khác nhau nhưng cuối tuần vẫn còn gặp gỡ bình thường, anh T kiên quyết ly hôn chỉ vì cho rằng giải pháp thiện chí hàn gắn của chị Oanh E đưa ra là muộn màng".

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử nhận thấy mâu thuẫn giữa anh T và chị Oanh E chưa đến mức trầm trọng, gay gắt, có thể khắc phục, hàn gắn đoàn tụ vợ chồng, đời sống chung có thể kéo dài, nên Tòa án không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của anh T.

Hai là, bản án 18/2017/HNGĐ-ST ngày 07/09/2017 về tranh chấp hôn nhân gia đình thì:

"Chị Thân Thị T và anh Nguyễn Văn N  kết hôn ngày 31/10/200. Năm 2009 chị T đi xuất khẩu lao động, thời gian đầu vợ chồng thường xuyên liên lạc, từ sau năm 2011 đến nay đã không còn liên lạc với nhau. Từ khi chị T đi lao động tại Cộng hòa Síp chưa lần nào về nước, vợ chồng sống xa cách không quan tâm đến nhau.

Anh N không đồng ý ly hôn chị T vì xác định vẫn còn tình cảm với chị T nhưng lại không đưa ra được căn cứ chứng minh, anh N cũng trình bày từ sau năm 2011 chị T không liên lạc gì về, anh chị không liên lạc gì với nhau".

Hội đồng xét xử thấy mâu thuẫn vợ chồng giữa chị T và anh N đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Nên căn cứ Điều 51, điều 53 và Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Thân Thị T. Xử cho chị  Thân Thị T được ly hôn anh Nguyễn Văn N.

Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể của mỗi cặp vợ chồng mà tòa án sẽ xem xét, nhận định cặp vợ chồng đó mâu thuẫn đã thực sự trầm trọng chưa, còn có khả năng hàn gắn hay không để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu ly hôn từ phía một bên.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Nếu một trong hai bên không đồng ý ly hôn thì người con lại có quyền làm đơn đơn phương ly hôn.

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về nguyên tắc giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Qua đó, có thể thấy rằng, không phải trường hợp nào chỉ một bên muốn ly hôn, bên kia không đồng ý thì đều không được ly hôn mà sẽ tùy vào hoàn cảnh thực tế của từng cặp vợ chồng mà tòa án xem xét và quyết định có cho giải quyết ly hôn hay không.

Nguyễn Sáng
6546

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn