19/04/2023 11:35

Có được phạt tiền khi người lao động vi phạm nội quy công ty?

Có được phạt tiền khi người lao động vi phạm nội quy công ty?

Cho tôi hỏi việc công ty quy định khi nhân viên đi trễ, làm việc riêng,… sẽ bị phạt tiền từ 50.000-200.000 đồng tùy theo hành vi vi phạm, có đúng quy định pháp luật không? “Nhật Khuyên-Ninh Thuận”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định pháp luật về xử lý kỷ luật lao động?

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Lao động 2019, kỷ luật lao động được hiểu là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Về hình thức xử lý kỷ luật lao động,  theo Điều 124 Bộ luật Lao động 2019, khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động, người sử dụng lao động có thể lựa chọn các hình thức xử lý kỷ luật lao động sau:

Điều 124. Hình thức xử lý kỷ luật lao động

1. Khiển trách.

2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

3. Cách chức.

4. Sa thải.

Theo đó, tùy vào mức độ và hậu quả của hành vi để lại, người sử dụng lao động có thể cân nhắc áp dụng các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật cần đảm bảo thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:

Điều 122. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.

Theo đó, khi xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ chứng minh lỗi của người lao động. Ngoài ra, phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên. Việc xử lý kỷ luật lao động phải có mặt người lao động, người lao động có quyền tự bảo chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa. Đối với người lao động dưới 15 tuổi, khi bị xử lý kỷ luật lao động, phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật. Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.

2. Có được phạt tiền khi người lao động vi phạm nội quy công ty?

Theo Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, cụ thể như sau:

Điều 127. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động

1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

Theo đó, khi xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động cần lưu ý các vấn đề sau:

- Không được xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

- Không được phạt tiền, cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động.

- Không được xử lý kỷ luật lao động đối với các hành vi không có trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc pháp luật về lao động không quy định.

Như vậy, trường hợp công ty xử phạt tiền người lao động khi đi trễ, làm việc riêng trong giờ làm,… thay thế cho việc xử lý kỷ luật lao động là hành vi bị pháp luật cấm.

3. Mức xử phạt khi công ty yêu cầu phạt tiền khi người lao động vi phạm

Theo điểm b, khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt khi công ty yêu cầu phạt tiền khi người lao động vi phạm, như sau:

Điều 19. Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

...

b) Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

Theo đó, khi người sử dụng lao động có hành vi dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, sẽ bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng tùy vào mức độ hành vi .

Trân trọng!

Lê Thị Phương Ngân
18911

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]