27/03/2023 14:23

Có được ký hợp đồng với người lao động cao tuổi?

Có được ký hợp đồng với người lao động cao tuổi?

Cho tôi hỏi tôi có được ký hợp đồng lao động với người cao tuổi không? Có lưu ý gì khi ký hợp đồng với người lao động cao tuổi không? “Châu Giang-Đồng Tháp”

Chào chị, Ban Biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định pháp luật về người lao động cao tuổi

Theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019, quy định về độ tuổi nghỉ hưu như sau:

Điều 169. Tuổi nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là đủ 60 tuổi 03 tháng và 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 62 tuổi (năm 2028) và lao động nữ là 60 tuổi (năm 2035).

Về người lao động cao tuổi, được quy định tại Điều 148 Bộ luật Lao động 2019, như sau:

Điều 148. Người lao động cao tuổi

Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.

Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Theo đó, những người tiếp tục đi làm sau độ tuổi nghỉ hưu nêu trên là người lao động cao tuổi. Người lao động cao tuổi được quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động rút ngắn thời gian làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

2. Có được ký hợp đồng với người lao động cao tuổi?

Theo Điều 149 Bộ luật Lao động 2019, việc sử dụng người lao động cao tuổi được quy định như sau:

Điều 149. Sử dụng người lao động cao tuổi

Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

Theo đó, việc sử dụng người lao động cao tuổi được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, khi sử dụng người lao động cao tuổi cần lưu ý các vấn đề sau:

- Thứ nhất, người sử dụng lao động được phép ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần. Đối với người lao động thông thường, chỉ được phép giao kết tối đa 02 lần đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.

- Thứ hai, trong trường hợp không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người đó. Trong trường hợp vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng (theo quy định tại Điều 30 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)

- Thứ ba, có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc

- Thứ tư, phải đóng bảo hiểm cho người lao động cao tuổi chưa hưởng lương hưu hằng tháng mà đang làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên.

- Thứ năm, đối với người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (khoản 3 Điều 168 Bộ luật lao động 2019).

- Thứ sáu, khi yêu cầu người lao động cao tuổi làm thêm giờ, cần đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019:

Điều 107. Làm thêm giờ

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

a) Phải được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Trân trọng!

Lê Thị Phương Ngân
11748

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]