Ngoại tình là việc một người đã có vợ hoặc chồng mà lại có mối quan hệ yêu đương với người khác. Đây được xem là hành vi vi phạm về nghĩa vụ, tình nghĩa của vợ chồng, gây tổn hại đến chế độ hôn nhân và là hành vi trái với đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục.
Theo quy định hiện hành thì ngoại tình là hành vi đặc biệt nghiêm cấm trong quan hệ hôn nhân gia đình. Nhưng pháp luật hiện nay không có quy định nào về việc đòi bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần do hành vi ngoại tình của vợ hoặc chồng gây nên.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp như sau:
Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.
Theo đó, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có quy định, chưa có điều luật để áp dụng. Vì vậy, khi vợ ngoại tình thì vẫn có thể khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại và ngược lại.
Tại bản án về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 04/2020/DS-ST do Tòa án nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ xét xử có nội dung như sau:
Trong đơn khởi kiện, các lời khai tiếp theo và tại phiên tòa nguyên đơn trình bày:
"Tôi và chị Nguyễn Thị Thanh H kết hôn với nhau năm 2009. Quá trình kết hôn, vợ chồng có 02 con chung là Đinh Thị Hồng G, sinh 01/3/2010 và Đinh Tùng L, sinh ngày 15/12/2015. Sau khi kết hôn, tôi làm nghề buôn bán lâm sản và lái xe. Chị H ở nhà nuôi con. Chị H không nghề nghiệp cho đến khi chúng tôi ly hôn.
Do chị H không chung thuỷ nên cháu L không phải là con tôi. Nội dung này sau khi giám định ADN tôi mới biết.
Hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, việc tôi lấy vợ, sinh con là mục đích được hưởng lợi về tình cảm, cậy nhờ con khi tuổi già. Tuy nhiên việc cháu L không cùng huyết thống với tôi nhưng tôi đã phải nuôi cháu L từ khi sinh ra tháng 12/2015 đến tháng 3/2020 là 4 năm 3 tháng (51 tháng).
Tôi đề nghị chị H phải thanh toán cho tôi tiền nuôi dưỡng đối với cháu Đinh Tùng L với số tiền là 121.000.000đ. Cụ thể:
- Tiền ăn: 40.000đ/ ngày (1.200.000đ/ tháng);
- Tiền sữa: 10.000đ/ ngày (300.000đ/ tháng);
- Tiền bỉm: 450.000đ/ tháng (trong hai năm);
- Tiền quần áo: 3.000.000đ/ năm (250.000đ/ tháng).
- Tiền thuốc men khi ốm đau: 2.000.000đ/ năm (166.000đ/tháng);
- Tiền chi phí mổ đẻ cho chị H: 15.000.000đ.
- Tiền học nhà trẻ từ 3 tuổi: 7.000.000đ/ năm (600.000đ/ tháng)”.
Tại phiên toà anh đề nghị bồi thường tiền công chăm sóc 2.000.000 đồng/tháng.
Từ nội dung nêu trên, ta có thể tóm tắt nội dung như sau: Nguyên đơn và bị đơn (chị H) là vợ chồng, có 02 con chung là cháu G và cháu L, tuy nhiên theo nguyên đơn trình bày thì do bị đơn ngoại tình nên cháu L không phải là con ruột của nguyên đơn. Cho nên nguyên đơn đã đề nghị bị đơn phải thanh toán tiền nuôi dưỡng và tiền công chăm sóc cho cháu L.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Tòa án đã nhận định như sau:
Theo quy định của khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015, “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Quy định này được cụ thể hóa từ Điều 26 đến Điều 33 BLTTDS. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, các yêu cầu về dân sự, trừ trường hợp tranh chấp đó thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Do yêu cầu của nguyên đơn không có cơ quan nào giải quyết, do vậy Toà án nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ căn cứ nơi cư trú của bị đơn theo Điều 43 BLTTDS và các nguyên tắc chung theo khoản 2; 3 Điều 45 BLTTDS để giải quyết vụ án.
Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định thì Tòa án nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn bởi vì về nguyên tắc, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Tòa án cũng đã nhận định rằng bị đơn đã vi phạm khoản 1 Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình 2014: "Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình" và từ việc vi phạm nghĩa vụ trên dẫn đến vụ việc Toà án giải quyết yêu cầu.
Qua các phần trình bày, xét hỏi, tranh luận và nghị án thì Tòa án đã ra quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền 96.970.000 đồng về các khoản: tiền chi phí nuôi dưỡng; tiền tổn thất tinh thần; tiền chi phí khi sinh; tiền công chăm sóc.
Đồng thời, bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và hoàn trả số tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn.
Như vậy, qua bản án trên ta có thể thấy rằng việc Tòa án chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại khi có yếu tố ngoại tình là phù hợp với quy định pháp luật. Do đó người chồng hoàn toàn có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại về tổn thất vật chất, tinh thần nếu người vợ có hành vi ngoại tình và ngược lại.
Ngoài ra, hành vi chồng hoặc vợ ngoại tình còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm chế độ một vợ, một chồng" quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 khi thuộc một trong các trường hợp: Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng mà hậu quả đó có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v.. hoặc người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.