Chào bạn, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:
Vào mỗi buổi tối, trên những quán nhậu đông đúc không khó để bắt gặp hình ảnh cụng ly, hò hét trên bàn nhậu. Trong số đó, không hiếm vụ việc mời uống, ép uống rượu bia, dẫn đến những cuộc ẩu đả xô xát, thậm chí có trường hợp đâm chết người chỉ vì bị ép uống rượu.
Hiện nay, đã có quy định về việc ép buộc người khác uống rượu bia được ban hành. Cụ thể tại Điều 5 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm:
- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia;
- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia;
- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi;
- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia;
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
- Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
- Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên;
- Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe;
- Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên;
- Sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức;
- Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
- Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký;
- Bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
- Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.
Như vậy, hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là hành vi bị cấm. Do đó, mong rằng mọi người khi tham gia các bữa tiệc nhậu thì không nên mời mọc, ép buộc người khác uống rượu bia mà hãy theo tinh thần tự nguyện của mỗi người.
Theo khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia thì ép người khác uống rượu bia là hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính, cụ thể:
Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia
...
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
b) Ép buộc người khác uống rượu bia.
Theo quy định trên thì ép người khác uống rượu bia có thể bị phạt lên đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, đối với hành vi xúi dục, kích động, lôi kéo cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng được quy định cũng tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Theo đó, uống nhiều rượu bia sẽ có nguy cơ mắc phải một số bệnh sau đây:
- Viêm gan do rượu: Có các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Bệnh có thể diễn tiến đến xơ gan do rượu qua nhiều năm.
- Sảng run hay còn gọi là hội chứng cai rượu, thường gặp ở những người nghiện rượu, thường xuất hiện các triệu chứng như mất ngủ, mê sảng, luôn lo âu, thấy ảo giác, run lập cập, nói chuyện lắp bắp, đi đứng loạng choạng,... sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 – 48 giờ. Phần lớn trường hợp nếu không điều trị sẽ tiến triển xấu, các rối loạn ngày càng trầm trọng, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong.
- Bệnh gút: Do lượng cồn tồn lưu trong cơ thể quá nhiều nên gây ra bệnh gút (gout). Người bệnh xuất hiện các cơn viêm khớp cấp với các biểu hiện sưng, nóng, đỏ và đau nhức. Mỗi lần uống liên tục nửa lít rượu mạnh sẽ làm gia tăng lượng acid uric trong máu.
- Bệnh tim mạch: Khi uống nhiều rươu sẽ làm suy yếu cơ tim, gây ra hiện tượng ứ trệ tuần hoàn ở phổi, hẹp mạch máu, tăng huyết áp và gây ra chứng rối loạn nhịp tim.
- Bệnh phổi: Nếu uống rượu trong một thời gian dài, chất cồn sẽ làm mất đi chất chống oxy hóa quan trọng trong phổi, từ đó phổi bị tổn thương vĩnh viễn vì thế người nghiện rượu rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm như viêm phổi cũng như các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác.
Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng: Phần bia, rượu còn tồn lưu tại dạ dày sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ dạ dày, do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm với các triệu chứng như ợ nóng, viêm loét và chảy máu.