Điển hình, tại bản án 75/2018/DS-ST ngày 05/07/2018 về tranh chấp đòi lại tài sản tặng cho do Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm vụ việc:
Lê Văn X và Lương Thị Thiên T yêu thương nhau, thống nhất tiến tới hôn nhân nên bà H có giáp lời với bà Hà Thị S là mẹ ruột của Lương Thị Thiên T để bàn chuyện làm lễ cưới. Bà S yêu cầu (qua điện thoại) tiền chợ là 50.000.000 đồng, vì thương con nên bà H đồng ý, bà S có nói là sẽ tổ chức lễ cưới lớn, không có nói đãi bao nhiêu bàn, một bàn bao nhiêu tiền. Sau khi bà đưa tiền chợ xong, đến ngày đám cưới bà S chỉ đãi 05 bàn (kể cả 15 người bên nhà của bà qua).
Ngoài ra, trước ngày cưới của X và T, bà có đưa cho con trai tên Lê Văn X số tiền 20.000.000 đồng để đi chụp hình, quay phim, trang điểm cô dâu, mua mâm bàn ngày cưới. Nhưng sau khi cưới, T sinh sống khoảng 01 tháng thì tự ý bỏ về nhà cha mẹ T sinh sống. Nay X và T đã ly hôn nên bà H khởi kiện với các yêu cầu:
+ Yêu cầu bà S trả số tiền 50.000.000 đồng đưa để tổ chức lễ cưới cho anh Lê Văn X và chị Lương Thị Thiên T vì bà S đã thất hứa trong việc tổ chức đám cưới.
+ Yêu cầu bị đơn chị Lương Thị Thiên T trả 20.000.000 đồng tiền đưa để đi chụp hình, quay phim, trang điểm cô dâu, mâm bàn trong đám cưới giữa anh Lê Văn X và chị Lương Thị Thiên T vì chị T đã không có làm tròn bổn phận con dâu.
Tại bản án sơ thẩm tòa án đã đưa ra quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Cao Thị Bạch H về việc tranh chấp “đòi lại tài sản tặng cho” đối với bà Hà Thị S và chị Lương Thị Thiên T.
Quyết định của Tòa án là phù hợp với quy định của pháp luật, bởi:
Thứ nhất, về thỏa thuận số tiền 50.000.000 đồng để lo tiệc cưới cho nhà gái và tiếp đãi khách nhà trai khi sang rước dâu:
+ Điều này là hoàn toàn phù hợp với truyền thống và phong tục, tập quán của nhà nước về cưới hỏi. Đồng thời, pháp luật cũng không quy định nhà trai phải đưa tiền cho nhà gái tổ chức đám cưới nên số tiền 50.000.000 đồng là do các bên tự thỏa thuận và nhà trai tự nguyện giao tiền.
+ Căn cứ vào Điều 3, 4, 5, 7 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân được phép tự do thỏa thuận, chỉ cần không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Các bên có thể áp dụng tập quán để điều chỉnh quan hệ dân sự nếu tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Như vậy, việc thỏa thuận số tiền tổ chức đám cưới như trên là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật về việc áp dụng phong tục tập quán cưới hỏi.
Thứ hai, về đòi lại số tiền lo tiệc cưới cho nhà gái và tiếp đãi khách nhà trai khi sang rước dâu: căn cứ Điều 166 Bộ luật dân sự 2015 về quyền đòi lại tài sản cũng như phong tục, tập quán thì không có quy định trường hợp khi vợ chồng ly hôn, nhà gái có trách nhiệm trả lại tiền mà nhà trai đã đưa để tổ chức lễ cưới. Hơn nữa, trên thực tế nhà gái cũng đã dùng số tiền này để tổ chức lễ cưới và lễ cưới đã hoàn thành. Chính vì vậy, nhà trai yêu cầu trả số tiền này là không có căn cứ.
Điều 166. Quyền đòi lại tài sản
1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.
Thứ ba, về yêu cầu đòi lại số tiền chụp hình, quay phim, trang điểm cô dâu và mua mâm lễ ngày cưới: đây là số tiền mà gia đình anh X tự nguyện chi trả, phục vụ cho hôn nhân của hai người. Đám cưới đã diễn ra, chi phí cũng đã chi xong nên việc đòi lại số tiền này khi ly hôn là không đúng.
Như vậy, dù cho chị T và anh X chỉ kết hôn mới được một tháng thì việc đòi lại số tiền tổ chức đám cưới đã đưa cho nhà gái, cũng như tiền trang điểm cô dâu, quay phim… là hoàn toàn không phù hợp với phong tục, tập quán và pháp luật của nhà nước, khi mà trên thực tế hôn lễ đã hoàn thành, hai người đã có giấy chứng nhận kết hôn.
Chính vì vậy, mọi người cần phải suy nghĩ cẩn thận về tình cảm của mình trước khi quyết định tiến đến hôn nhân cùng một người nào đó. Để tránh việc hôn nhân đổ vỡ khi mới kết hôn chưa được bao lâu.