27/10/2023 08:55

Có được chuyển giao nghĩa vụ trả nợ cho người khác?

Có được chuyển giao nghĩa vụ trả nợ cho người khác?

Tôi muốn hỏi có được chuyển giao nghĩa vụ trả nợ cho người khác không? Có chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho người khác được không?

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Có được chuyển giao nghĩa vụ trả nợ cho người khác?

Theo quy tại Điều 370 Bộ luật Dân sự 2015 về việc chuyển giao nghĩa vụ như sau:

- Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.

- Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.

Lưu ý: khi chuyển giao nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.(Theo Điều 371 Bộ luật Dân sự 2015)

Theo đó, bên có nghĩa vụ (người mắc nợ) có thể chuyển giao nghĩa vụ của mình sang cho người khác (người thứ ba) thay mình thực hiện, nhưng phải được bên có quyền (chủ nợ) đồng ý. Tuy nhiên, việc chuyển giao nghĩa vụ này không được áp dụng đối với các trường hợp:

- Nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ: Nghĩa là những nghĩa vụ mang tính chất cá nhân, không thể tách rời khỏi cá nhân người mắc nợ.

- Có những loại nghĩa vụ mà pháp luật cấm không được chuyển giao cho người khác.

Như vậy, quy định trên đã nêu ra nguyên tắc, điều kiện và giới hạn về việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự.

2. Nghĩa vụ trả nợ chấm dứt khi nào?

Theo Điều 372 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ chấm dứt trong trường hợp sau đây:

- Nghĩa vụ được hoàn thành;

- Theo thỏa thuận của các bên;

- Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;

- Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác;

- Nghĩa vụ được bù trừ;

- Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một;

- Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết;

- Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;

- Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác;

- Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;

- Trường hợp khác do luật quy định.

3. Có chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho người khác được không?

Theo Điều 365 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho người khác như sau:

- Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:

+ Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

+ Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.

- Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

- Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Theo đó, người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền. Trường hợp người chuyển giao quyền yêu cầu không cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. (Theo Điều 366 Bộ luật Dân sự 2015).

Lưu ý:

- Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.

- Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ sau khi chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. (Theo Điều 367 Bộ luật Dân sự 2015)

- Trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó. (Theo Điều 368 Bộ luật Dân sự 2015)

Như vậy, theo quy định trên thì có thể chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ(người chuyển giao) chuyển giao cho người khác(người thế quyền) thực hiện quyền yêu cầu đó, đồng thời người chuyển giao không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ sau khi chuyển giao, trừ có thỏa thuận khác.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
6943

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]