25/12/2021 14:02

Có đủ điều kiện công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam?

Có đủ điều kiện công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam?

Người phải thi hành án không thanh toán cho Ngân hàng phần dư nợ còn lại nên Ngân hàng yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phần còn lại phải trả theo Quyết định số OS 1129/2012 ngày 25/3/2013 của Tòa Thượng thẩm nước Cộng hòa Singapore. Yêu cầu này có được chấp nhận hay không?

1.Về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài và vụ án cụ thể

Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài là hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của một quốc gia nhất định công nhận hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định dân sự đó và thừa nhận bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật được mang ra tổ chức thi hành trên thực tế tại lãnh thổ của quốc gia mình nếu bản án, quyết định đó có yêu cầu thi hành trên thực tế[1].

Trong thời gian qua, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh mở rộng quan hệ đối ngoại phục vụ mục tiêu hội nhập quốc tế. Cùng với đó, số lượng bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam ngày càng tăng về số lượng với tính chất phức tạp hơn. Do đó, việc xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài cần theo hướng tạo ra những điều kiện pháp luật thuận lợi nhằm bảo đảm quyền lợi của bên yêu cầu công nhận và cho thi hành (là người nước ngoài cũng như công dân Việt Nam), qua đó, góp phần mở rộng quan hệ quốc tế trên cơ sở bảo đảm tôn trọng chủ quyền quốc gia và các bên cùng có lợi.

Nguyên tắc căn cứ vào điều ước quốc tế mà nước đó và nước có yêu cầu là thành viên và nguyên tắc có đi có lại là hai nguyên tắc cơ bản được phần lớn pháp luật các nước áp dụng. Thực tế, số lượng hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài xuất phát từ nước chưa tham gia hoặc ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với số lượng hồ sơ yêu cầu đến từ nước có ký điều ước quốc tế với Việt Nam. Nhiều trường hợp yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài đã bị Tòa án Việt Nam từ chối do không đủ các điều kiện do Bộ luật tố tụng dân sự quy định. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, việc Tòa án chấp nhận yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài nhận sự phản đối của bên bị thi hành, gây nhiều ý kiến và quan điểm trái chiều. Tác giả xin dẫn chiếu vụ việc cụ thể dưới đây:

 Ngày 15/10/2010, Ngân hàng D (sau đây viết tắt là Ngân hàng) cho ông A vay số tiền 4.963.000,00 Đô la Singapore; ông A đã thế chấp căn hộ đứng tên ông tại Singapore cho Ngân hàng D. Do ông A không trả nợ nên Ngân hàng đã khởi kiện. Tại Quyết định số OS 1129/2012 ngày 25/3/2013, Tòa Thượng thẩm nước Cộng hòa Singapore đã quyết định: “Ông A phải bàn giao cho Ngân hàng tài sản thế chấp, thanh toán số tiền 5.049.703,00 Đô la Singapore của khoản tín dụng tính đến ngày 25/11/2012 và tiền lãi tính trên khoản tiền nêu trên với lãi suất bằng 5%/năm cộng với lãi suất cho vay cơ bản hiện hành của Ngân hàng được tính trên cơ sở lãi kép kể từ ngày 26/11/2012 tới ngày thanh toán hết nợ”. Ông A đã bàn giao tài sản thế chấp cho Ngân hàng và Ngân hàng đã phát hành quyền chọn mua bất động sản với giá 4.026.000 Đô la Singapore. Tính đến ngày 16/10/2014, ông A vẫn còn nợ Ngân hàng số tiền 1.928.117,70 Đô la Singapore là phần dư nợ còn lại của khoản tín dụng.

Do ông A không thanh toán cho Ngân hàng phần dư nợ còn lại nên Ngân hàng yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phần còn lại phải trả theo Quyết định số OS 1129/2012 ngày 25/3/2013 của Tòa Thượng thẩm nước Cộng hòa Singapore, sau khi trừ đi số tiền bán tài sản thế chấp 4.026.000 Đô la Singapore.

Bên phải thi hành là ông A cho rằng việc Tòa án tại Sigapore không tống đạt các văn bản tố tụng cho ông và tiến hành xét xử vắng mặt ông là không đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định sơ thẩm số 1186/2016/QĐST-DS ngày 02/12/2016, Toà án nhân dân Thành phố K quyết định: Chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng D, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phần còn lại Quyết định số 1129 ngày 25/3/2013 của Tòa Thượng thẩm Singapore.

Tại Quyết định phúc thẩm số 111/2017/QĐPT-KDTM ngày 21/6/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố H quyết định: Giữ nguyên Quyết định số 1186/2016/QĐST-DS ngày 02/12/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố K.

2.Quan điểm đối với vụ án

Quan điểm thứ nhất đồng tình với phán quyết của Tòa án, cho rằng có cơ sở công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phần còn lại Quyết định số 1129 ngày 25/3/2013 của Tòa Thượng thẩm Singapore. Bởi lẽ, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Singapore chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Theo quy định tại khoản 1 Điều 434 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì kèm theo Đơn yêu cầu phải có các giấy tờ, tài liệu sau:

“a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực bản án, quyết định do Tòa án nước ngoài cấp;

b) Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp trong bản án, quyết định đỏ đã được thể hiện rõ những nội dung này;

c) Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận kết quả tống đạt hợp lệ bản ản, quyết định đó cho người phải thi hành;

d) Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã được triệu tập hợp lệ trong trường hợp Tòa án nước ngoài ra bản án vắng mặt họ”.

Ngân hàng D có Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành Quyết định số OS 1129/2012 của Tòa Thượng thẩm Singapore, kèm theo các tài liệu gồm: Quyết định số OS 1129/2012 của Tòa Thượng thẩm Singapore bằng tiếng Anh (có Bản dịch, được chứng thực); Văn bản ngày 25/6/2015 của ông Govinda Pannir Selvam (Thẩm phán Tòa án tối cao Singapore đã nghỉ hưu) xác nhận Quyết định số OS 1129/2012 của Tòa Thượng thẩm Singapore là phán quyết của Tòa án, đang có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành; Văn bản ngày 16/12/2016 của Đại sứ quán nước Cộng hòa Singapore tại Việt Nam xác nhận Đạo luật về thời hiệu là Đạo luật có hiệu lực và hiện đang thi hành tại nước Cộng hòa Singapore (tại mục 6 phần II Chương 163 Đạo luật về thời hiệu quy định không được thi hành bất kỳ phán quyết nào sau khi hết thời hạn 12 năm kể từ ngày phán quyết đó có hiệu lực thi hành); Văn bản ngày 26/4/2016 của Hãng luật xác nhận là đại diện nhận tổng đạt các văn bản của ông A, đã nhận được hồ sơ vụ kiện, bản tuyên thệ liên quan đến vụ kiện số 1129, thông báo phiên xét xử đối với vụ kiện số 1129 được hoãn đến ngày 25/3/2013, quyết định của Tòa án đã ban hành đối với việc xét xử vụ kiện số 1129 do Hãng luật đại diện của Ngân hàng chuyển đến và đã chuyển hợp lệ từng tài liệu nêu trên cho ông A. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận Đơn yêu cầu của Ngân hàng D là có cơ sở.

Quan điểm thứ hai (quan điểm của tác giả): Tại khoản 2 Điều 4 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định: “Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế”.

Khoản 1 Điều 66 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định: “Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ tương trợ tư pháp với nước hữu quan”.

Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp quy định: “a) Trường hợp Bộ Ngoại giao nhận được đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại đối với các nội dung liên quan. Bộ Ngoại giao gửi công văn, kèm theo hồ sơ liên quan (nếu có), đề nghị Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao phối hợp xem xét việc áp dụng nguyên tắc có để có lại ..... c) Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại...”.

Tại khoản 4 Điều 22 Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự quy định: “Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc xác định, cập nhật tình hình thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài cho Việt Nam để làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền quyết định từ chối áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Các thông tin này được đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp”.

Như vậy, trong vụ án này, Tòa án chưa có Văn bản gửi Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp để tham khảo về tình hình thực hiện nguyên tắc có đi có lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Do đó, chưa có cơ sở vững chắc để công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phần còn lại Quyết định số 1129 ngày 25/3/2013 của Tòa Thượng thẩm Singapore.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

Luật gia CHU MINH ĐỨC

Nguồn: Tạp chí Tòa án

6351

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]