30/05/2023 17:25

Có cần thành lập hội đồng kỷ luật viên chức khi có quyết định kỷ luật Đảng viên?

Có cần thành lập hội đồng kỷ luật viên chức khi có quyết định kỷ luật Đảng viên?

Tôi muốn biết trường hợp viên chức là Đảng viên đã có quyết định xử lý kỷ luật Đảng thì có cần thành lập hội đồng xử lý kỷ luật Viên chức nữa không? “Thanh Huệ - Lâm Đồng”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Các hành vi bị xử lý kỷ luật đối với viên chức

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về các hành vi bị xử lý kỷ luật, như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

- Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

+ Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

+ Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

+ Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

|+ Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Như vậy, viên chức sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật khi vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ. Dựa vào mức độ của hành vi vi phạm mà sẽ có những hình thức kỷ luật viên chức tương ứng.

2. Hình thức kỷ luật đối với viên chức

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về các hình thức kỷ luật đối với viên chức, gồm:

- Áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý

+ Khiển trách.

+ Cảnh cáo.

+ Buộc thôi việc.

- Áp dụng đối với viên chức quản lý

+ Khiển trách.

+ Cảnh cáo.

+ Cách chức.

+ Buộc thôi việc.

Lưu ý: Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định trên còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Có cần thành lập hội đồng kỷ luật viên chức khi có quyết định kỷ luật Đảng viên?

Theo quy định Điều 34 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về hội đồng kỷ luật viên chức như sau:

- Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với viên chức có hành vi vi phạm.

- Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật:

+ Hội đồng kỷ luật họp khi có đủ 03 thành viên trở lên tham dự, trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng.

+ Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín.

+ Việc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản, trong đó thể hiện rõ ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật.

+ Hội đồng kỷ luật tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

- Các trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật:

+ Đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất hình thức kỷ luật.

+ Đã có quyết định xử lý kỷ luật Đảng.

Như vậy, viên chức là Đảng viên khi đã có quyết định xử lý kỷ luật Đảng thì sẽ thuộc trường hợp không thành lập hội đồng xử lý kỷ luật. Ngoài ra, các trường hợp quy định trên sẽ được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm mà không phải điều tra, xác minh lại.

Nguyễn Ngọc Trầm
1621

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn