20/06/2024 17:01

Có bị giữ bằng lái xe khi người vi phạm giao thông đã nộp phạt tại chỗ không?

Có bị giữ bằng lái xe khi người vi phạm giao thông đã nộp phạt tại chỗ không?

Người vi phạm giao thông đã nộp phạt tại chỗ thì có bị Cảnh sát giao thông tạm giữ bằng lái xe nữa không? Thời hạn tạm giữ bằng lái xe là bao lâu? Các trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe hiện nay là gì?

1. Có bị giữ bằng lái xe khi người vi phạm giao thông đã nộp phạt tại chỗ không? 

Tại Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về xử phạt hành chính không lập biên bản, trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ và không lập biên bản. Riêng trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2029/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm b khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) cũng có quy định rằng:

Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Theo đó, việc tạm giữ bằng lái xe được áp dụng nhằm bảo đảm người vi phạm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình thiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Do đó, CSGT chỉ có quyền tạm giữ bằng lái xe của người vi phạm giao thông để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định pháp luật.

Như vậy, khi vi phạm giao thông mà bị xử phạt tiền tại chỗ và không lập biên bản thì Cảnh sát giao thông không được tạm giữ bằng lái xe của người điều khiển phương tiện giao thông để đảm bảo chấp hành quyết định xử phạt. 

2. Thời hạn tạm giữ bằng lái xe là bao lâu?

Căn cứ tại khoản 8 Điều 125 Luật xử phạt hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định thời hạn tạm giữ bằng lái xe như sau:

- Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

- Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 của Luật xử phạt hành chính 2012 nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 của Luật xử phạt hành chính 2012 thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

- Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

- Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật xử phạt hành chính 2012. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 Luật xử phạt hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020) thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.

- Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

3. Các trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe hiện nay

Theo điểm b khoản 24 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung khoản 14 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 19 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT) quy định các trường hợp thu hồi giấy phép lái xe, bao gồm:

(1) Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe;

(2) Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe;

(3) Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình;

(4) Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện;

(5) Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký;

(6) Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1680

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]