Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:
Căn cứ khoản 9 Điều 3 Bộ Luật lao động 2019 thì "Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động."
Quấy rối tình dục là một trong các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 8 Bộ Luật lao động 2019. Hành vi này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc của doanh nghiệp và tác động đến hiệu quả lao động của người lao động đặc biệt là lao động nữ.
Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc cần được bài trừ tuyệt đối, nhằm mục đích góp phần vào sự tiến bộ, phát triễn của xã hội.
Thứ nhất, đối tượng của hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc không bắt buộc phải là người khác giới. Nhiều người lầm tưởng hành vi quấy rối tình dục chỉ xảy ra giữa những người khác giới, tuy nhiên hành vi này có thể xảy ra giữa nam với nam hoặc nữ với nữ.
Thứ hai, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc có tính chất tình dục và không được người khác chấp nhận. Hành vi có tính chất tình dục ở đây rất đa dạng có thể là lời nói, hành vi thể mang tính thể chất hoặc hành vi phi lời nói. Bên cạnh đó hành vi này không được người khác chấp nhận, việc chấp nhận hay không được thể hiện qua lời nói, hành động, cử chỉ của người bị tác động.
Thứ ba, hành vi quấy rối tình dục được thực hiện tại nơi làm việc. Nơi làm việc được hiểu ở phạm vi rộng, đó là bất kì nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc nơi người lao động được phân công thực hiện công việc.
Theo quy định tại Điều 118 Bộ Luật lao động 2019 thì người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.
Đồng thời, tại Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng có hướng dẫn rõ "Nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động."
Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan.
Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trật tự tại nơi làm việc;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
- Trách nhiệm vật chất;
- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động
Như vậy, trong nội quy lao động của doanh nghiệp bắt buộc phải có quy định liên quan đến hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cụ thể là phải quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Dựa trên khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, theo đó có thể ghi nhận trực tiếp trên nội quy lao động hoặc ban hành phụ lục kèm theo, bao gồm các nội dung sau:
- Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
- Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
- Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Như vậy, theo quy định tại Điều 118 Bộ Luật lao động 2019 thì nội quy lao động bắt buộc phải có quy định về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nội dung quy định về hành vi này được hướng dẫn tại Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Trân trọng!