21/02/2024 14:55

Chứng khoán phái sinh là gì? Những quy định về đầu tư chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh là gì? Những quy định về đầu tư chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh là gì? Đầu tư chứng khoán phái sinh cần phải tuân thủ các quy đinh nào? Thế Nhân – Tây Ninh.

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Chứng khoán phái sinh là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 về chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

- Chứng khoán phái sinh;

- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Do đó, chứng khoán phái sinh là một loại các loại của chứng khoán. Chứng khoán phái sinh được định nghĩa tại khoản 9 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 như sau:

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Vậy, có những loại chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường?

Chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh được quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 158/2020/NĐ-CP bao gồm:

- Hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn niêm yết dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị chứng khoán phái sinh;

- Hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn giao dịch thỏa thuận dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán, chỉ số chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán.

Như vậy, chứng khoán phái sinh là một loại chứng khoán dưới dạng hợp đồng, bao gồm các loại như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn. Các loại chứng khoán phái sinh chủ yếu được giao dịch trên thị trường là hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn niêm yết và hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn thỏa thuận.

2. Đầu tư chứng khoán phái sinh được quy định thế nào?

Tại Điều 16 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định về đầu tư chứng khoán phái sinh như sau:

- Tổ chức, cá nhân được đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán phái sinh, trừ trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do vi phạm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán và các trường hợp đầu tư có điều kiện cụ thể sau đây:

+ Công ty chứng khoán chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh cho phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh;

+ Công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro cho danh mục chứng khoán đang nắm giữ đối với nguồn vốn ủy thác từ hoạt động quản lý danh mục đầu tư; công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro theo quy định của pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán đối với nguồn vốn của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán. Công ty quản lý quỹ không được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn của mình, nguồn vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác;

+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản

+ Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

+ Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

- Trong quá trình đầu tư chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về rủi ro và phải tuân thủ quy định pháp luật, không được thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Như vậy, các tổ chức, cá nhân được phép đầu tư chứng khoán phái sinh nếu đáp ứng các điều kiện về pháp lý và năng lực tài chính. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần chủ động nghiên cứu các quy định chi tiết, chịu trách nhiệm về rủi ro và không được vi phạm pháp luật chứng khoán.

Nguyễn Ngọc Trầm
2863

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]