Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:
Tại Điều 5 Thông tư 01/2021/TT-NHNN có giải thích về chứng chỉ tiền gửi như sau:
Điều 5. Giải thích từ ngữ
Kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Theo đó, chứng chỉ tiền gửi có thể được hiểu đơn giản là một loại giấy tờ có giá được phát hành bởi tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm huy động vốn tổ chức, cá nhân khác ở trong nước.
Cả chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm đều được phát hành bởi các tổ chức tài chính, như ngân hàng hay hợp tác xã tín dụng. Tuy nhiên 2 loại trên vẫn có một số điểm khác biệt, cụ thể như sau:
+ Về thời hạn: Chứng chỉ tiền gửi có thời hạn gửi tiền nhất định và kỳ hạn chỉ có thể là dài hạn hay trung hạn. Còn với sổ tiết kiệm thì thời hạn có sự linh hoạt hơn như: Thời hạn ngắn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng; Thời hạn dài từ 12 tháng, 36 tháng…;
+ Về lãi suất tiền gửi: Chứng chỉ tiền gửi thường có lợi suất cao hơn sổ tiết kiệm tùy theo đợt và tổ chức cung cấp. Trong khi đó sổ tiết kiệm sẽ có mức độ % lãi suất tùy vào số tiền gửi tại các ngân hàng khác nhau và tùy kỳ hạn;
+ Về tính thanh khoản: Chứng chỉ tiền gửi có tính thanh khoản thấp. Khi mua chứng chỉ tiền gửi, người gửi cần thực hiện cam kết gửi tiền trong một khoảng thời gian nhất định để được nhận mức lãi suất cao nên việc rút tiền hoặc tất toán trước hạn đối với chứng chỉ tiền gửi gặp nhiều hạn chế.
Còn đối với sổ tiết kiệm, vì mang tính thanh khoản cao cho nên người gửi tiền có thể rút tiền mà không phải chịu phạt hoặc mất lợi suất nếu thực hiện sau khi đủ thời hạn quy định.
+ Về phí và chi phí: Khi gửi tiền vào chứng chỉ tiền gửi sẽ có các khoản phí phạt cao khi người gửi tiền rút tiền trước thời hạn hoặc khi không hoàn thành cam kết, còn đối với sổ tiết kiệm thì các khoản phí phạt sẽ ít hơn.
Như đã đề cập trước đó, chứng chỉ tiền gửi sẽ có những mặt ưu và nhược điểm riêng nếu so với sổ tiết kiệm. Cho nên rủi ro chứng chỉ tiền gửi đem lại cũng sẽ cao hơn nhiều so với việc gửi tiết kiệm. Có thể kể đến một số rủi ro chứng chỉ tiền gửi mang đến như sau:
+ Khó để chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi: Do không có nhiều người mua, cho nên rất khó để chuyển nhượng lại chứng chỉ tiền gửi cho người khác.
+ Không được rút tiền từ chứng chỉ tiền gửi trước kỳ hạn, kể cả khi người gửi chấp nhận mất lãi. Người gửi chỉ có thể cầm cố nó cho ngân hàng và phải trả thêm lãi chênh lệch từ 2 - 4%/năm.
+ Có thể bị mất thanh khoản nếu như các tổ chức và ngân hàng phát hành chứng chỉ tuyên bố phá sản.
+ Chứng chỉ tiền gửi cũng có nguy cơ mất giá vì lạm phát, khiến cho nhà đầu tư có nguy cơ thua lỗ khi mua.
Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc thật kỹ những rủi ro chứng chỉ tiền gửi đem lại trước khi mua. Có thể chọn hình thức đầu tư an toàn hơn như gửi tiền tiết kiệm,...
- Theo Điều Điều 11 Thông tư 01/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động tổ chức các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi khi tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi trực tiếp cho người mua tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.