14/08/2024 11:59

Chứng chỉ kế toán viên là gì? Điều kiện dự thi chứng chỉ kế toán viên 2024?

Chứng chỉ kế toán viên là gì? Điều kiện dự thi chứng chỉ kế toán viên 2024?

Chứng chỉ kế toán viên là gì? Muốn thi chứng chỉ kế toán viên 2024 thì cần đáp ứng điều kiện gì? Nội dung bài thi chứng chỉ kế toán viên mới nhất?

1. Chứng chỉ kế toán viên là gì?

Chứng chỉ kế toán viên là chứng chỉ hành nghề kế toán do Bộ Tài chính cấp sau khi đạt tiêu chuẩn kỳ thi.

Chứng chỉ kế toán viên (Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư 91/2017/TT-BTC ngày 31/8/2017) được trao trực tiếp cho người được cấp chứng chỉ hoặc người được ủy quyền của người được cấp.

Mẫu chứng chỉ kế toán viên 2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/chung-chi-ke-toan-vien.docx

Theo Điều 6 Thông tư 91/2017/TT-BTC thì người dự thi lấy chứng chỉ kế toán viên phải thi 04 môn bao gồm: 

- Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp.

- Tài chính và quản lý tài chính nâng cao.

- Thuế và quản lý thuế nâng cao.

- Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao.

Với mỗi môn thi sẽ bao gồm lý thuyết và phần ứng dụng vào bài tập tình huống trong thời gian 180 phút (thi tự luận) quy định tại Phụ lục số 01 được ban hành kèm theo Thông tư 91/2017/TT-BTC.

Ngoài ra, việc soạn thảo, cập nhật và công khai nội dung, chương trình tài liệu học, ôn thi lấy chứng chỉ kế toán viên sẽ do Bộ Tài chính thực hiện.

2. Điều kiện dự thi chứng chỉ kế toán viên 2024

Theo quy định Điều 4 Thông tư 91/2017/TT-BTC, người dự thi lấy chứng chỉ kế toán viên cần đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.

Thứ hai, về văn bằng, chứng chỉ cần đáp ứng 01 trong các trường hợp sau:

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán.

- Có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác có:

+ Tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trở lên trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học.

+ Hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khoá học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp bảo đảm các quy định tại Điều 9 Thông tư 91/2017/TT-BTC.

Thứ ba, về thời gian công tác

Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng, được tính trong khoảng thời gian từ tháng tốt nghiệp ghi trên bằng tốt nghiệp đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi.

Thứ tư, nộp đầy đủ, đúng hồ sơ dự thi và chi phí dự thi theo quy định.

Thứ năm, không thuộc các trường hợp không được làm kế toán bao gồm:

- Người chưa thành niên.

- Người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự

- Người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

3. Nội dung, yêu cầu môn thi/phần thi lấy chứng chỉ kế toán viên 2024

Nội dung, yêu cầu môn thi/phần thi lấy chứng chỉ kế toán viên theo quy định tại Phụ lục số 01 Ban hành kèm theo Thông tư 91/2017/TT-BTC, cụ thể:

(1) Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp

- Luật Doanh nghiệp

+ Các vấn đề chung về doanh nghiệp;

+ Các loại hình doanh nghiệp.

- Pháp luật về đầu tư

+ Các vấn đề chung về đầu tư;

+ Các hình thức đầu tư.

- Pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại

+ Các vấn đề chung về hợp đồng;

+ Hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

- Pháp luật về cạnh tranh

- Pháp luật phá sản

- Pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại

- Luật Lao động.

(2) Tài chính và quản lý tài chính nâng cao

- Các vấn đề cơ bản trong tài chính

+ Chức năng của quản lý tài chính trong doanh nghiệp;

+ Giá trị thời gian của tiền tệ;

+ Định giá trái phiếu và cổ phiếu;

+ Thị trường tài chính;

+ Tính toán và phân tích các chỉ số tài chính.

- Nguồn tài trợ của doanh nghiệp

+ Nguồn tài trợ dài hạn;

+ Nguồn tài trợ ngắn hạn;

+ Hệ thống đòn bẩy và cơ cấu vốn;

+ Chi phí sử dụng vốn;

+ Cơ cấu nguồn vốn.

- Quản lý tài sản dài hạn, tài sản ngắn hạn

+ Tài sản cố định, tài sản dài hạn;

+ Tài sản lưu động, tài sản ngắn hạn.

- Đánh giá dự án đầu tư và quyết định đầu tư vốn của doanh nghiệp

+ Quyết định đầu tư và quy trình đánh giá dự án đầu tư;

+ Phương pháp chiết khấu dòng tiền;

+ Các phương pháp khác.

- Định giá doanh nghiệp

+ Bản chất và mục tiêu của việc định giá doanh nghiệp;

+ Các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp.

- Quản lý Tài chính Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và đổi mới doanh nghiệp nhà nước;

+ Quản lý tài chính Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác;

+ Xử lý tài chính đối với hoạt động mua bán, bàn giao, tiếp nhận xử lý nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp;

+ Xử lý tài chính khi thành lập mới, tổ chức lại và giải thể Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

(3) Thuế và quản lý thuế nâng cao

- Thuế giá trị gia tăng

- Thuế tiêu thụ đặc biệt

- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

- Thuế thu nhập doanh nghiệp

- Thuế thu nhập cá nhân

- Các loại thuế khác

- Luật quản lý thuế

- Kế hoạch thuế.

(4) Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao

- Pháp luật về kế toán

+ Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn;

+ Chuẩn mực kế toán Việt Nam;

+ Nguyên tắc và nội dung cơ bản của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;

+ Các chế độ kế toán.

- Lập báo cáo tài chính đơn vị kế toán

- Lập báo cáo tài chính hợp nhất

- Kế toán quản trị

+ Các vấn đề cơ bản về kế toán quản trị;

+ Kế toán chi phí;

+ Quyết định ngắn hạn.

Bùi Thị Như Ý
100

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn