Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Căn cứ vào khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 có quy định như sau:
Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.
Theo đó, quy định trên được hướng dẫn bởi Mục 1 Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 về tuổi đời và trình độ học vấn của người vào Đảng như sau:
- Về độ tuổi:
+ Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng).
+ Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.
- Về trình độ học vấn:
+ Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
+ Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Bí thư.
Như vậy, căn cứ vào những quy định về độ tuổi và trình độ học vấn của người vào Đảng, thì trường hợp bạn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông thì vẫn có thể được xem xét kết nạp Đảng nếu đủ điều kiện theo quy định.
Các trường hợp Đảng viên rời khỏi Đảng, bao gồm:
- Xóa tên Đảng viên, gồm các trường hợp quy định tại Mục 8 Quy định 24-QĐ/TW năm 2021:
+ Đảng viên bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng.
+ Đảng viên tự ý trả thẻ đảng viên hoặc tự huỷ thẻ đảng viên.
+ Đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không thực hiện nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục nhưng sau thời gian 12 tháng phấn đấu không tiến bộ.
+ Đảng viên hai năm liền vi phạm tư cách đảng viên; đảng viên không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Chính trị.
- Khai trừ Đảng viên: Là hình thức xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm nghiêm trọng, được quy định tại khoản 9 Điều 2 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022, bao gồm các nội dung vi phạm sau đây:
+ Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
+ Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên
Căn cứ tại Mục 3 Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 có quy định về việc kết nạp lại người vào Đảng:
3.5. Về kết nạp lại người vào Đảng.
3.5.1. Người được xét kết nạp lại phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng.
b) Ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xoá án tích; đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp uỷ có thẩm quyền (huyện uỷ và tương đương) xem xét, quyết định.
c) Thực hiện đúng các thủ tục nêu ở các Khoản 1, 2, 3 Điều 4 Điều lệ Đảng.
3.5.2. Đối tượng không xem xét kết nạp lại.
Không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: Tự bỏ sinh hoạt đảng; làm đơn xin ra Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; bị kết án vì tội tham nhũng; bị kết án về tội nghiêm trọng trở lên.
Như vậy, người đã rời khỏi Đảng trước đó vẫn được xem xét để kết nạp vào Đảng thêm lần nữa nếu như đáp ứng được các điều kiện để được kết nạp lại và không thuộc một trong các trường hợp không được xem xét kết nạp lại. Tuy nhiên, chỉ được kết nạp lại một lần duy nhất, nếu như bị rời khỏi Đảng thêm một lần nữa thì sẽ không được kết nạp lại vào Đảng.
Hiện nay, chưa có quy định chính thức nào cho rằng người thân đã bị khai trừ khỏi Đảng thì sẽ không được kết nạp Đảng. Với từng điều kiện cụ thể để kết nạp vào Đảng được quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 và Quy định 24-QĐ/TW năm 2021, không chỉ có người xin kết nạp Đảng mà cả người thân của họ sẽ phải trải qua việc thẩm tra về lý lịch một cách khắt khe.
Quá trình thẩm tra sẽ bao gồm những vấn đề như sau:
- Lịch sử chính trị và chính trị hiện nay.
- Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Trân trọng!