29/02/2024 11:37

Chưa thành niên vào rạp xem phim dán nhãn 18+: Ai chịu trách nhiệm?

Chưa thành niên vào rạp xem phim dán nhãn 18+: Ai chịu trách nhiệm?

Tôi phát hiện con tôi đã vào rạp xem phim dán nhãn 18+. Tôi thắc mắc rằng con tôi chưa đủ 18 tuổi nhưng được cho phép vào rạp xem phim thì ai sẽ chịu trách nhiệm? (Kim Hoa - TP.HCM)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Người chưa thành niên vào rạp xem phim dán nhãn 18+ thì trách nhiệm thuộc về ai?

Tại Điều 32 Luật Điện ảnh 2022, quy định phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến như sau:

- Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;

- Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;

- Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;

- Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;

- Loại C: Phim không được phép phổ biến.

Theo đó các phim được dán nhãn T18 là phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên.

Nhưng trên thực tế, việc các khán giả vào rạp xem phim không đúng độ tuổi quy định vẫn thường xuyên xảy ra ở một số rạp chiếu phim. 

Trước đây, tại điểm c khoản 4 Điều 8 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim. Cụ thể, hành vi phổ biến phim cho khán giả không đúng độ tuổi theo quy định hoặc để khán giả không đúng với độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Hiện nay, mức phạt cho hành vi này đã được nâng lên. Theo đó, tại điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị  định 128/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim.

Như vậy, trường hợp phát hiện rạp phim có người xem phim không đúng độ tuổi quy định theo từng phân loại phim thì trách nhiệm sẽ thuộc về cụm rạp đó và có thể bị xử phạt tiền lên đến 80.000.000 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Cho đến hiện tại, pháp luật chưa có quy định chế tài nào đối với người vào rạp xem phim khi chưa đủ tuổi theo quy định. Do đó, trường hợp này, con chị sẽ không bị xử phạt, tuy nhiên, rạp phim đã bán vé và cho con chị vào xem thì sẽ bị xử phạt theo quy định trên và nộp lại toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi này.

Nhằm đảm bảo việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về hoạt động phổ biến phim, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các rạp có chiếu các phim dán nhãn 18+ trên địa bàn.

2. Người xem phim xuất trình thế CCCD giả để vào xem phim sẽ bị xử lý như thế nào?

Căn cứ tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về các vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân như sau: 

  1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;

c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu phát hiện người nào sử dụng giấy tờ tùy thân giả như CMND, CCCD để vào rạp xem phim thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
2359

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]