04/03/2024 16:00

Chưa được cấp sổ đỏ thì có được đăng ký thường trú không?

Chưa được cấp sổ đỏ thì có được đăng ký thường trú không?

Tôi có mua một căn nhà nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Hiện tại cả nhà tôi đã chuyển về căn nhà này ở được vài hôm, nay tôi có nhu cầu đăng ký thường trú để định cư lâu dài nơi đây. Tôi thắc mắc rằng liệu nhà chưa được cấp sổ đỏ thì có được đăng ký thường trú không? (Hồng Thanh - An Giang)

Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Chưa được cấp sổ đỏ thì có được đăng ký thường trú không?

Theo định nghĩa tại khoản 5 Điều 2 Luật cư trú 2020 thì đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.

Bên cạnh đó tại khoản 1 Điều 20 Luật cư trú 2020 cũng quy định rằng: Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

Theo đó, để có thể chứng minh chỗ ở đó là hợp pháp khi đăng ký thường trú thì cần phải có một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP như sau:

- Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);

- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);

- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

- Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;

- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

- Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

- Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

Trường hợp mà người đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020 phải có thêm một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Cư trú 2020, gồm:

- Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng

- Xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Như vậy, việc đăng ký thường trú không bắt buộc là phải có sổ đỏ mới có thể đăng ký được. Đối với trường hợp của chị, khi đăng ký thường trú thì chị vẫn có thể cung cấp một trong những giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật cư trú 2020 để chứng minh nơi chị và người thân đang ở là hợp pháp.

2. Thủ tục đăng ký thường trú được quy định như thế nào?

Cụ thể, tại Điều 22 Luật cư trú 2020, thủ tục đối với việc công dân đăng ký cư trú được quy định như sau:

Bước 1: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

Bước 2: Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú

Trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Nếu người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật cư trú 2020 trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

3. Trường hợp nào công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 20 Luật cư trú 2020 quy định về các trường hợp công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý, bao gồm:

- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

- Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

- Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

Như vậy, việc đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không nhất thiết là phải thuộc quyền sở hữu của mình. Vẫn có những trường hợp mà công dân được phép đăng ký thường trú tại nơi ở thuộc quyền sở hữu của người khác nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật và phải được sự đồng ý của chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở đó.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
3244

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn