Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) về độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
…
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Như vậy, từ 01/01/2025, độ tuổi của người lái xe được quy định như sau: 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe gắn máy, 18 tuổi có thể lái xe các loại thuộc hạng A1, A, B1, B, C1, và tham gia các khóa học kiến thức về giao thông. Với các hạng bằng cao hơn, người lái xe cần đạt độ tuổi cao hơn, từ 21 đến 27 tuổi tùy loại phương tiện.
Lưu ý: Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Đồng thời, tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ như sau:
Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người chưa đủ tuổi lái xe nếu gây tai nạn chết người vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trong đó có tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khi gây thiệt hại nghiêm trọng với hình phạt tù lên đến 15 năm.
Còn người dưới 16 tuổi tuy đã đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội danh, nhưng tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không thuộc trong những tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, người có hành vi giao xe máy cho người dưới 16 tuổi điều khiển khi biết rõ người đó chưa đủ độ tuổi điều khiển xe máy tham gia giao thông đường bộ, dẫn đến hậu quả làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ với hình phạt tù cao nhất lên đến 07 năm và còn có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng.
>> Xem thêm: Cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi lái xe bị xử lý như thế nào?
Bản án về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ số 64/2024/HS-PT
Bản án về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ số 113/2024/HS-ST
Bản án về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ số 86/2024/HS-PT
Bản án về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ số 107/2024/HS-ST
Bản án về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ số 15/2024/HS-ST
Bản án về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ số 67/2024/HS-ST