Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy tại Khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử 2005 (hết hiệu lực từ ngày 30/06/2024) thì chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.
Tuy nhiên, theo Khoản 11 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2024) định nghĩa chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.
Như vậy, theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023 thì chữ ký điện tử chỉ tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử, kết hợp với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký đồng thời khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.
Theo Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký điện tử như sau:
(1) Chữ ký điện tử được xem là bảo đảm an toàn nếu được kiểm chứng bằng một quy trình kiểm tra an toàn do các bên giao dịch thỏa thuận và đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ gắn duy nhất với người ký trong bối cảnh dữ liệu đó được sử dụng;
- Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký;
- Mọi thay đổi đối với chữ ký điện tử sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện;
- Mọi thay đổi đối với nội dung của thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện.
(2) Chữ ký điện tử đã được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chứng thực được xem là bảo đảm các điều kiện an toàn quy định tại (1).
Như vậy, điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký điện tử khi được kiểm chứng bằng một quy trình kiểm tra an toàn do các bên giao dịch thỏa thuận đồng thời được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chứng thực.
Theo Điều 32 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định các điều kiện để được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử như sau:
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có đủ nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp và nhân viên quản lý phù hợp với việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử;
+ Có đủ phương tiện và thiết bị kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn an ninh, an toàn quốc gia;
+ Đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.
- Chính phủ quy định cụ thể về các nội dung sau đây:
+ Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử;
+ Tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, nhân lực và các điều kiện cần thiết khác đối với hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử;
+ Nội dung và hình thức của chứng thư điện tử;
+ Thủ tục cấp, gia hạn, tạm đình chỉ, phục hồi và thu hồi chứng thư điện tử;
+ Chế độ lưu trữ và công khai các thông tin liên quan đến chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử cấp;
+ Điều kiện, thủ tục để tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài có thể được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử tại Việt Nam;
+ Các nội dung cần thiết khác đối với hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.
Như vậy, để cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử cần đảm bảo các điều kiện có đội ngũ nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp; có phương tiện và thiết bị kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn an ninh, an toàn quốc gia; phải đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phải thực hiện đúng trình tự, nội dung, hình thức và thủ tục đăng ký hoạt động do Chính phủ quy định.