21/05/2021 13:39

Chủ doanh nghiệp tư nhân là người cao tuổi có được miễn án phí trong vụ án phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp?

Chủ doanh nghiệp tư nhân là người cao tuổi có được miễn án phí trong vụ án phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp?

Thực tiễn xét xử hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau về vấn đề có miễn án phí cho chủ DNTN nếu họ là người cao tuổi trong vụ án phát sinh từ hoạt động của DNTN hay không...

1. Vấn đề pháp lý

Theo quy định tại khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho DNTN với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho DNTN thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong vụ án phát sinh từ hoạt động của DNTN thì chủ DNTN sẽ là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không phải DNTN đó[1]. Vấn đề đặt ra là nếu chủ DNTN này là người cao tuổi thuộc trường hợp miễn án phí theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết 326) và có đơn xin miễn nộp án phí thì Tòa án có miễn án phí cho họ?

2. Thực tiễn xét xử

Thực tiễn xét xử về vấn đề này hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

- Quan điểm thứ nhất cho rằng nếu chủ DNTN thuộc trường hợp người cao tuổi thì được miễn án phí. Cụ thể, theo một bản án, sau khi không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Văn Thị Công D – chủ DNTN LD, Hội đồng xét xử đã nhận định: “Tại thời điểm xét xử sơ thẩm thì bà Văn Thị Công D 61 tuổi (bà D sinh năm 1956) thuộc diện người cao tuổi nên được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng để miễn án phí mà buộc bà D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 47.233.273 đồng (Bốn mươi bảy triệu hai trăm ba mươi ba nghìn hai trăm bảy mươi ba đồng) là không phù hợp. Vì vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa phần án phí dân sự sơ thẩm cho phù hợp. Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận, nên bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân LD phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng). Vì bà D thuộc diện người cao tuổi như nêu trên, nên được miễn án phí phúc thẩm”[2].

Tương tự theo một bản án của TAND Tp Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu thì sau khi chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn GROBEST INDUSTRIAL (Việt Nam) đối với ông Trần Quan B – Chủ doanh nghiệp tư nhân T. Buộc ông Trần Quan B có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn GROBEST số tiền mua hàng hóa còn nợ theo Hợp đồng phân phối thức ăn tôm số: 01HM, SM, SU, VA/BAL 2015 ngày 02/01/2015 và phụ lục hợp đồng số 05/2016 ngày 22/6/2016 tổng cộng là 12.197.148.612 đồng, Hội đồng xét xử đã nhận định ông Trần Quan B là người cao tuổi nên được miễn toàn bộ án phí theo quy định[3].

- Quan điểm thứ hai cho rằng trường hợp này không thể miễn án phí cho chủ DNTN vì đây là vụ án phát sinh từ hoạt động của DNTN, là một tổ chức kinh tế có đăng ký kinh doanh. Chẳng hạn, theo một bản án: “Vì bị đơn trong vụ án là ông Lê Văn K - Chủ doanh nghiệp tư nhân VHX I, nên việc Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các Điều 12, 14 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định miễn nộp án phí sơ thẩm cho ông K do thuộc trường hợp người cao tuổi cũng là sai lầm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước”[4].

3. Bình luận

Như vậy, có thể thấy thực tiễn xét xử hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau về vấn đề có miễn án phí cho chủ DNTN nếu họ là người cao tuổi trong vụ án phát sinh từ hoạt động của DNTN hay không. Chúng tôi cho rằng, trong vụ án phát sinh từ hoạt động của DNTN thì bị đơn không chỉ đơn thuần là cá nhân chủ DNTN (ví dụ: Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B) mà phải là cá nhân đó gắn với chức danh chủ DNTN (ví dụ: Nguyễn Văn A – Chủ DNTN A, Nguyễn Văn B – Chủ DNTN B…)[5]. Các tranh chấp này phát sinh từ hoạt động kinh doanh của DNTN chứ không phải là quan hệ dân sự thuần túy của cá nhân ông chủ DNTN đó. Quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326 chỉ nên áp dụng cho các trường hợp là tranh chấp thuần túy của cá nhân người cao tuổi. Còn ở đây, bản chất vẫn là hoạt động của một tổ chức kinh tế. Vì DNTN không có tư cách pháp nhân nên chủ DNTN mới phải là người chịu mọi trách nhiệm phát sinh liên quan đến DNTN đó.

Do đó, chúng tôi cho rằng để áp dụng thống nhất pháp luật trong trường hợp này, Hội đồng thẩm phán TANDTC cần sớm có hướng dẫn. Theo đó, trường hợp này do tranh chấp phát sinh từ hoạt động của DNTN nên nếu chủ DNTN thuộc trường hợp được miễn án phí (như người cao tuổi, có công với cách mạng…) thì cũng không được miễn án phí./. 

ThS. NGUYỄN THỊ VÂN ANH (Trường Đại học Luật – Đại học Huế)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

[1] Thực tiễn không ít trường hợp Tòa án có sự nhầm lẫn khi xác định DNTN là đương sự trong vụ án. Chẳng hạn theo một bản án: “Bị đơn trong vụ án là Doanh nghiệp tư nhân thương mại T S, do ông Nguyễn Thế T làm chủ Doanh nghiệp. Do yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng được chấp nhận nên Doanh nghiệp tư nhân thương mại T S do ông Nguyễn Thế T làm chủ Doanh nghiệp phải chịu án phí sơ thẩm” Xem bản án số 12/2020/KDTM-PT ngày 18 – 11 – 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.

[2] Xem: Bản án số 132/2018/DS-PT ngày 06 tháng 4 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre về “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra”.

[3] Xem Bản án số 01/2021/KDTMST ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu về tranh chấp hợp đồng phân phối hàng hóa

[4] Bản án số 14/2021/KDTM-PT ngày 09 – 3 – 2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng tín dụng.

[5] Ví dụ theo một bản án: “Trong phần nhận định và quyết định của bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm không phân tích, đánh giá, nhận định và áp dụng các quy định của Luật Doanh nghiệp để giải quyết vụ án là thiếu sót. Theo đó, tại phần quyết định của bản án sơ thẩm đã buộc ông Lê Văn K có trách nhiệm trả cho A số tiền gốc 9.998.660.029 đồng và tiền lãi trong hạn 17.468.563.980 đồng, lãi quá hạn 5.322.356.011 đồng là không đúng với việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định bị đơn trong vụ án này là ông Lê Văn K - Chủ doanh nghiệp tư nhân VHX I. Hơn nữa, ông K không phải là bên vay trong các hợp đồng tín dụng mà nguyên đơn A yêu cầu giải quyết trong vụ án này nên việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông K phải có trách nhiệm trả cho A các khoản tiền như trên là sai lầm nghiêm trọng”. Xem: Bản án số 14/2021/KDTM-PT ngày 09 – 3 – 2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng tín dụng.

889

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]