15/09/2023 11:39

Chủ chung cư mini trong vụ cháy ở Hà Nội có thể đối diện với mức án nào?

Chủ chung cư mini trong vụ cháy ở Hà Nội có thể đối diện với mức án nào?

Vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào tối ngày 13/9/2023 đã khiến ít nhất 56 người tử vong và 37 người bị thương. Với thiệt hại đặc biệt lớn về người và tài sản thì chủ chung cư mini sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nào? “Minh Vỹ-Hà Nội”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Xem thêm:

Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy

Tiêu lệnh chữa cháy là gì? Nội quy an toàn về PCCC gồm những gì?

1. Dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

Theo đó, với những thiệt hại lớn về người và tài sản thì chủ chung cư mini bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội Vi phạm quy định về PCCC.

Tội vi phạm quy định về PCCC theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) là hành vi vi phạm các quy định về PCCC gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Có thể nhận biết tội danh này qua các dấu hiệu cụ thể sau:

- Khách thể của tội phạm:

Tội vi phạm quy định về PCCC xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng, trật tự quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và tính mạng, sức khỏe, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng.

- Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội vi phạm quy định về PCCC là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, và người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định.

- Mặt khách quan của tội phạm:

+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

+ Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về PCCC. Người thực hiện hành vi vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi của mình gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người khác theo quy định.

- Mặt chủ quan của tội phạm:

+ Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý;

+ Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý (lỗi vô ý do quá tự tin hoặc lỗi vô ý do cẩu thả).

Theo thông tin từ báo chí thì kết quả xác minh được công trình có giấy phép xây dựng ngôi nhà thuộc loại nhà ở riêng lẻ 6 tầng không phải là chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tòa nhà chung cư. Thực tế thì ngôi nhà này được xây dựng tới 9 tầng và một tum, nghĩa là đã vượt số tầng so với giấy phép xây dựng.

Theo Quy chuẩn số 06/2021 của Bộ Xây dựng thì: Đối với nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình có chiều cao từ 6 tầng trở xuống hoặc có không quá 1 tầng hầm, không bắt buộc áp dụng quy chuẩn này mà thực hiện theo hướng dẫn riêng, phù hợp cho từng đối tượng nhà và khu dân cư.” Như vậy, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên sẽ yêu cầu có thiết kế phòng cháy chữa cháy, có biện pháp phòng cháy chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vì được xây dựng sai với giấy phép, tòa nhà này không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt về thiết kế cũng như nghiệm thu về kết quả thi công phòng cháy chữa cháy.

Hậu quả của vi phạm là xảy ra cháy lớn dẫn đến nhiều người thiệt mạng và nhiều thiệt hại về tài sản. Như vậy, có căn cứ cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng.

2. Khung hình phạt đối với chủ chung cư mini trong vụ cháy ở Hà Nội?

Căn cứ theo Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

“Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm quy định về PCCC, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Với hậu quả nguyên trọng từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội thù chủ chung cư có thể đối diện với mức án đến 12 năm tù.

3. Một số bản án về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

- Bản án về tội vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy số 12/2021/HS-ST

- Bản án 190/2021/HS-PT ngày 07/05/2021 về tội vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy

- Bản án về tội vi phạm các quy định phòng cháy, chữa cháy số 186/2021/HS-ST

- Bản án về tội vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy số 59/2022/HS-ST

- Bản án về tội vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy số 109/2022/HS-PT

Bùi Thị Như Ý
2545

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn