14/07/2022 15:30

Chọn luật áp dụng tại Tòa án và trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài - Một số khác biệt cơ bản

Chọn luật áp dụng tại Tòa án và trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài - Một số khác biệt cơ bản

Bài viết phân tích vấn đề xác định luật áp dụng tại Tòa án và trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, thông qua việc so sánh những khác biệt cơ bản của hai phương thức nhằm giúp thương nhân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật Việt Nam, và lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp.

Trong bối cảnh quan hệ thương mại quốc tế phát triển, để tạo thuận lợi cho các thương nhân hoạt động, các quốc gia cần mở rộng thêm nhiều sự lựa chọn về các phương thức giải quyết tranh chấp, mở rộng không gian pháp lý cho quan hệ thương mại quốc tế. Việc xác định luật áp dụng đối với các quan hệ dân sự thương mại có yếu tố nước ngoài, đặc biệt lựa chọn pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài trong giải quyết tranh chấp hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của pháp luật mỗi quốc gia và đặc biệt của các cơ quan tài phán. Nếu việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhà nước luôn bị ràng buộc bởi pháp luật của quốc gia theo các quy tắc tố tụng cứng nhắc của pháp luật nhà nước xây dựng (State law) thì việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài có nhiều ưu điểm do tính linh hoạt, hiệu quả của nó. Trọng tài là một thiết chế tài phán tư, không nằm trong hệ thống cơ quan tư pháp của quốc gia nên đã trở thành một xu thế được thương nhân lựa chọn, vì đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt là, việc chọn luật áp dụng tại trọng tài luôn khách quan, độc lập, không bị ràng buộc bởi pháp luật quốc gia như Tòa án.

1. Trọng tài thương mại quốc tế - Các đặc trưng cơ bản khác biệt so với Tòa án

Để hiểu được cách thức lựa chọn luật áp dụng tại trọng tài có những khác biệt cơ bản nào so với Tòa án, trước hết, cần xuất phát từ việc tìm hiểu các đặc trưng và nguyên tắc cơ bản của phương thức trọng tài, vì vấn đề xác định luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp luôn chịu sự chi phối chủ yếu của chính các cơ quan tài phán.

Khi một tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh, các bên có thể lựa chọn nhiều phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau. Việc lựa chọn một phương thức phù hợp, hiệu quả, giảm tiện chi phí… là mục tiêu mà các bên hướng tới. Khác với Tòa án là một thiết chế tài phán công, nằm trong hệ thống tư pháp của mỗi quốc gia, Tòa án chọn luật áp dụng luôn phải tuân thủ pháp luật của quốc gia, của Nhà nước nơi có Tòa án theo nguyên tắc Lex Fori. Trong khi đó, trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất “tư” - một thiết chế tài phán không nằm trong hệ thống cơ quan tư pháp của Nhà nước nên việc xác định luật áp dụng cũng mềm dẻo hơn. Xuất phát từ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp tại Tòa án và trọng tài dựa trên các nền tảng khác nhau. Tòa án là cơ quan tài phán công nên việc xét xử, lựa chọn pháp luật giải quyết tranh chấp luôn phải tuân theo pháp luật nhà nước xây dựng ban hành (State law). Nguyên tắc này xuất phát từ bản chất của Tòa án là đại diện cho công lý, quyền lực công của mỗi quốc gia, nên việc bảo vệ lợi ích công, lợi ích Nhà nước là tối cao. Trong khi đó, trọng tài là một thiết chế tài phán tư, các nguyên tắc xét xử tại trọng tài khách quan và linh hoạt hơn, cụ thể, trọng tài giải quyết tranh chấp dựa trên nguyên tắc nền tảng là tôn trọng quyền tự do ý chí của các bên (Party Autonomy) và nguyên tắc áp dụng luật mà trọng tài cho là phù hợp nhất. Điều 4 Luật Trọng tài năm 2010 quy định về  nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: “1. Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội. 2. Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật. 3. Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình…”.

Như vậy, có thể thấy, xuất phát từ các đặc trưng khác nhau giữa hai thiết chế tài phán Tòa án và trọng tài đã quyết định vấn đề chọn luật áp dụng trong giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài sẽ có những khác biệt cơ bản cả về việc xác định luật hình thức (luật tố tụng) và xác định luật nội dung trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài.

2. Những điểm khác biệt cơ bản giữa Tòa án và trọng tài trong việc xác định luật áp dụng giải quyết tranh chấp

Khi giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, cả Tòa án và trọng tài đều phải xác định luật áp dụng đối với 02 vấn đề pháp lý chính: (i) Luật áp dụng đối với trình tự, thủ tục tố tụng để giải quyết tranh chấp; (ii) Luật áp dụng giải quyết nội dung tranh chấp. Việc lựa chọn luật áp dụng đối với 02 vấn đề trên có mối quan hệ gắn bó với nhau, ảnh hưởng, tác động lẫn nhau và đều dẫn tới những hậu quả pháp lý chung là bản án hoặc phán quyết trọng tài có thể bị hủy bỏ hay bị từ chối công nhận và thi hành ở nước ngoài. Có thể nói, lựa chọn luật áp dụng trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế là vấn đề pháp lý quan trọng trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp tại các cơ quan giải quyết tranh chấp.

2.1. Xác định luật áp dụng về tố tụng giải quyết tranh chấp

Luật áp dụng về tố tụng là toàn bộ các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp mà các cơ quan tài phán và các bên tranh chấp phải tuân theo kể từ khi bắt đầu quy trình tố tụng (nộp đơn khởi kiện) đến khi kết thúc tố tụng (giai đoạn tuyên bản án, ra phán quyết trọng tài).

Đối với Tòa án, khi giải quyết tranh chấp, Tòa án chỉ áp dụng luật tố tụng của chính nước có Tòa án thụ lý xét xử vụ kiện theo nguyên tắc Lex Fori. Do đó, đối với các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, liên quan đến thương nhân từ các quốc gia khác nhau, việc lựa chọn Tòa án của một bên sẽ không đảm bảo sự khách quan, và có nhiều hạn chế với bên kia. Thực tế cho thấy, trong quan hệ thương mại quốc tế, thương nhân luôn có xu thế tìm tới một phương thức khách quan, trung lập, chuyên nghiệp, am hiểu công việc kinh doanh của họ để giải quyết các mâu thuẫn bất đồng.

Tại trọng tài, việc xác định luật áp dụng về tố tụng trọng tài như các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài, vấn đề thời hiệu khởi kiện, thành lập hội đồng trọng tài (chỉ định trọng tài viên, tiêu chuẩn, điều kiện trọng tài viên), xét xử trọng tài (thủ tục lấy lời khai, thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời), thủ tục ra phán quyết, cho đến công nhận và thi hành phán quyết trọng tài… cũng dựa trên 02 nguyên tắc riêng. Cụ thể, một mặt, trọng tài tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc xác định luật áp dụng về tố tụng giải quyết tranh chấp. Mặt khác, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì trọng tài sẽ áp dụng các quy tắc tố tụng trọng tài của chính tổ chức trọng tài quy chế đó và phù hợp với pháp luật nước nơi thành lập trọng tài, hay là nơi xét xử trọng tài (Lex Arbitri).

Các nguyên tắc trên được ghi nhận trong Luật Mẫu UNCITRAL về trọng tài. Tại Điều 19.1 Luật Mẫu UNCITRAL năm 2006 quy định: “Theo quy định của luật này, các bên được tự do thỏa thuận về thủ tục mà Hội đồng Trọng tài phải thực hiện khi tiến hành tố tụng”. Trong trường hợp không có thỏa thuận của các bên thì “Hội đồng Trọng tài có thể, theo quy định của luật này, tiến hành trọng tài theo cách thức mà Hội đồng Trọng tài cho là thích hợp” (Điều 19.2).

Như vậy, để xác định lựa chọn các quy tắc tố tụng trọng tài, các bên có thể lựa chọn quy tắc tố tụng trọng tài vụ việc (Ad hoc) hoặc các quy tắc tố tụng của các Tổ chức Trọng tài quy chế (ICC, VIAC rules). Điều V.1.e Công ước New York năm 1958 cũng quy định: “Phán quyết trọng tài vi phạm luật nơi xét xử trọng tài có thể không được công nhận hiệu lực tại các nước thành viên Công ước”.

Như vậy, trong thực tiễn, mỗi tổ chức/trung tâm trọng tài sẽ soạn thảo một bộ quy tắc tố tụng trọng tài riêng để áp dụng. Các quy tắc này phải phù hợp với pháp luật quốc gia nơi thành lập các tổ chức trọng tài. Hiện nay, tại Việt Nam, có khoảng trên 20 tổ chức trọng tài quy chế được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các tổ chức trọng tài này có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Mỗi tổ chức trọng tài đều có các quy tắc tố tụng trọng tài riêng tạo thuận lợi cho khách hàng thỏa thuận lựa chọn.

Ví dụ: Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong bộ quy tắc tố tụng của mình có soạn 01 thỏa thuận trọng tài mẫu, giúp khách hàng lựa chọn trọng tài VIAC và quy tắc tố tụng của VIAC như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này. Các bên thỏa thuận rằng tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành theo Thủ tục rút gọn quy định tại Điều 37 của Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC”.

Tóm lại, khi giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, trọng tài sẽ áp dụng luật tố tụng trọng tài của chính các tổ chức trọng tài, trên cơ sở ý chí thỏa thuận lựa chọn của các bên để xác định thẩm quyền của mình và thực hiện các quy trình, thủ tục tố tụng xét xử vụ việc.

2.2. Xác định luật áp dụng giải quyết nội dung tranh chấp

Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế về nội dung là vấn đề pháp lý phức tạp mà Tòa án và trọng tài đều gặp những thách thức và khó khăn trong thực tiễn do tính đa dạng của các loại tranh chấp, đa dạng về các nguồn luật áp dụng, tranh chấp liên quan đến nhiều bên, đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Hiện nay, theo các quy tắc của tư pháp quốc tế, việc xác định luật nội dung để giải quyết các tranh chấp thương mại có tính chất quốc tế cũng dựa trên 02 nguyên tắc chính là: (i) Luật do các bên thỏa thuận; (ii) Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì luật áp dụng sẽ do cơ quan tài phán lựa chọn. Tuy nhiên, việc giải thích và áp dụng nguyên tắc quyền tự do ý chí của các bên trong việc lựa chọn luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp tại Tòa án và trọng tài cũng có nhiều điểm khác nhau.

2.2.1 Trường hợp các bên thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng về nội dung

Khi giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, cả Tòa án và trọng tài đều xác định luật áp dụng theo sự thỏa thuận của các bên. Quyền tự do thỏa thuận trong việc xác định luật áp dụng đối với nội dung thể hiện rõ nhất tại khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, trọng tài áp dụng luật do các bên thỏa thuận”. Tương tự, tại khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng”. Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án và trọng tài.

Tuy nhiên, tại Tòa án, khi xem xét vấn đề quyền tự do ý chí trong việc lựa chọn luật áp dụng, Tòa án sẽ dựa vào các quy định của pháp luật quốc nội của mình (Lex Fori) để xác định giới hạn, ngoại lệ của quyền tự do ý chí. Cụ thể, theo tư pháp quốc tế Việt Nam hiện nay, nguyên tắc “luật do các bên thỏa thuận” trong lĩnh vực hợp đồng cũng có những hạn chế và ngoại lệ nhất định. Nói cách khác, sự tự do ý chí của các bên luôn nằm trong giới hạn của sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật do Nhà nước xây dựng ban hành. Sự hạn chế quyền tự do ý chí của các bên trong hợp đồng thường được thể hiện thông qua các quy định rằng luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng không ảnh hưởng trật tự công (Public order) và không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hay quy phạm có tính chất mệnh lệnh (quy phạm áp dụng bắt buộc) của quốc gia. Điều 9 và Điều 21 Quy định Rome 1 năm 2008 có quy định về chính sách công (Public policy), theo đó, “các luật được áp dụng theo quy định của Rome 1 sẽ bị loại trừ (không áp dụng) nếu trái với với chính sách công của quốc gia”. Tương tự, Điều 5.2 Luật Thương mại năm 2005, Điều 666 Bộ luật Dân sự năm 2015… cũng đều có quy định tương tự, theo đó, luật do các bên thỏa thuận chỉ được chấp nhận nếu không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Thực tiễn giải quyết một số vụ việc tranh chấp hợp đồng tại Tòa án Việt Nam, Tòa án đã tôn trọng quyền tự do ý chí của các bên và đã coi hợp đồng là căn cứ để giải quyết tranh chấp, cụ thể trong một số vụ việc thực tiễn sau:

Trong Bản án số 174/DSPT ngày 04/12/2003 của Tòa án nhân dân tối cao, liên quan đến tranh chấp hợp đồng giữa một công ty Việt Nam và một công ty Singapore. Theo hợp đồng, các bên thỏa thuận nếu có tranh chấp phát sinh sẽ chọn trọng tài Singapore để giải quyết tranh chấp và theo pháp luật Singapore để điều chỉnh hợp đồng. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, bên Việt Nam cho rằng, Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết. Mặc dù vậy, Tòa sơ thẩm vẫn xác định là có thẩm quyền và áp dụng pháp luật Việt Nam. Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao hủy bản án sơ thẩm với lý do là: “Bất luận trong mọi trường hợp, một khi có sự tranh chấp dẫn đến việc kiện tụng của các bên đương sự liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng thì phải căn cứ vào những điều khoản đã cam kết tại hợp đồng để phán xét cũng như xác định cơ quan có thẩm quyền tài phán”.

Tương tự, vụ việc tranh chấp hợp đồng mua bán thép xây dựng giữa Công ty thực phẩm miền trung (Fococev) và Công ty Voest Alpine Intertrading AG (trụ sở tại Áo), gọi tắt là Vait. Tranh chấp phát sinh khi bên mua Fococev cho rằng, chất lượng thép không đạt yêu cầu như thỏa thuận.

Ngày 11/01/1997, Công ty Fococev đã gửi đơn khởi kiện Vait ra Tòa án thành phố Đà Nẵng. Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 01/KTST ngày 04/4/1997, Tòa án thành phố Đà Nẵng đã căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng và các quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1998 ra quyết định yêu cầu Vait phải bồi thường thiệt hại cho Fococev số tiền là 154.741, 925 USD[7].

Tuy nhiên, nếu vụ việc được giải quyết tại trọng tài thương mại quốc tế, thì trọng tài sẽ dựa vào pháp luật nào để xem xét luật do các bên thỏa thuận là phù hợp hay không. Khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 chỉ quy định: “Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, trọng tài áp dụng luật do các bên thỏa thuận”. Đây là một quy định được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc trao thẩm quyền một cách rộng nhất có thể trong việc giải thích luật do các bên thỏa thuận, tạo thuận lợi cho trọng tài công nhận và áp dụng bất cứ luật nào mà trọng tài cho là “phù hợp nhất”. Quy định này đã mở rộng không gian pháp lý, mở rộng phạm vi sự lựa chọn luật áp dụng cho các bên và cho trọng tài cho dù luật đó là luật do Nhà nước xây dựng ban hành, các điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài, Lex Mercatoria, hay các Soft-law…

Đây là một quy định thể hiện sự tôn trọng quyền tự do ý chí, đồng thời mở rộng nhất khả năng có thể cho phép trọng tài chọn luật áp dụng mà không bị hạn chế như tại Tòa án, nhằm khuyến khích phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài - một mô hình được ưa chuộng đối với thương nhân và được đánh giá là phù hợp với các giao dịch thương mại quốc tế.

Có thể thấy rất nhiều án lệ trọng tài đã thể hiện rõ trọng tài xác định luật áp dụng theo sự thỏa thuận của các bên và theo luật mà trọng tài cho là phù hợp nhất. Tranh chấp Hợp đồng số S0040/05 giữa một công ty của Việt Nam và một công ty của Malaysia, theo Hội đồng Trọng tài: “… hai bên đã xác định tại thỏa thuận trọng tài là chọn quy tắc tố tụng và pháp luật của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam”. Trong đơn kiện, bên Việt Nam có nêu rõ việc áp dụng pháp luật Việt Nam. Phía bị đơn cho đến thời điểm mở phiên xét xử không hề có ý kiến phản bác đối với đề nghị áp dụng luật của bên công ty Việt Nam. Hội đồng trọng tài quyết định luật áp dụng là luật Việt Nam để giải quyết vụ kiện.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trọng tài không chấp nhận sự thỏa thuận của các bên trong các vụ việc sau: Vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa một Công ty Malaysia và một doanh nghiệp Việt Nam. Theo trọng tài, “hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mức phạt là 20% trị giá hợp đồng nếu không thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, luật áp dụng cho hợp đồng này được xác định là luật Việt Nam, mà Luật Thương mại Việt Nam năm 1997 lại quy định mức phạt tối đa là 8% trị giá hợp đồng (Điều 228). Vì vậy, trọng tài không thừa nhận mức phạt 20% trị giá hợp đồng vì trái với luật áp dụng, trọng tài chấp nhận mức phạt 8% áp dụng cho việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trong vụ việc này, trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam nhưng không cho biết tại sao pháp luật Việt Nam là pháp luật được áp dụng vào hợp đồng.

2.2.2 Trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng

Trong thực tiễn, nhiều trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với hợp đồng, hoặc luật do các bên thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng, không được công nhận… Trong trường hợp đó, cơ quan tài phán sẽ xác định luật áp dụng sẽ xác định luật áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc xác định luật áp dụng đối với hợp đồng trong trường hợp các bên không thỏa thuận luật áp dụng là nguyên tắc luật có mối liên hệ gắn bó nhất. Luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất hay luật có mối liên hệ mật thiết nhất (Law of the country with which it is most closely connected) là một trong những hệ thuộc đặc thù trong tư pháp quốc tế được áp dụng để xác định luật áp dụng điều chỉnh các vấn đề thuộc nội dung hợp đồng.

Khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xây dựng các nguyên tắc xác định luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng: “…Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng”. Để tránh việc giải thích mâu thuẫn giữa các cơ quan tài phán về việc xác định luật có mối quan hệ gắn bó nhất với hợp đồng, khoản 2 Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã làm rõ việc xác định trong từng trường hợp cụ thể. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng: “a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa. b) Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ; c) Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ…”. Dưới đây là một số vụ việc Tòa án xác định luật áp dụng:

Bản án ngày 05/4/1996 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử tranh chấp về hợp đồng mua bán giữa một công ty của Singapore và một công ty Việt Nam, các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với hợp đồng. Tòa án Việt Nam đã áp dụng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 của Việt Nam, đồng thời áp dụng UCP 500 của ICC, đặc biệt là viện dẫn đến các điều 29, 53, 61.3 và 64.1 Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế để giải quyết tranh chấp. Vụ việc này có thể được coi là tiêu biểu, vì trong vụ việc, Tòa án đã áp dụng đồng thời nhiều loại luật cho một hợp đồng, mặc dù Tòa án không lý giải cơ sở của việc áp dụng CISG nhưng vụ việc này cho thấy, Tòa án Việt Nam đã áp dụng CISG để giải quyết tranh chấp từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Có thể hiểu, Tòa án áp dụng CISG để bổ sung và khẳng định cho luật quốc gia (trong trường hợp này là luật Việt Nam). Việc áp dụng này hoàn toàn không vi phạm các nguyên tắc tư pháp quốc tế của Việt Nam, dù Việt Nam chưa phải là thành viên Công ước Viên năm 1980.

Trong một số vụ việc khác, như trong một tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa ký ngày 27/7/1993 giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Đài Loan, hợp đồng không có điều khoản về pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Tại Bản án số 136 PT/KT ngày 30/9/1997 của Tòa án nhân dân tối cao cũng trực tiếp áp dụng các quy định nội dung trong nước tại Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 và cũng không qua giai đoạn chọn luật áp dụng (giải quyết xung đột pháp luật) để giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Đối với hợp đồng không có điều khoản về pháp luật áp dụng giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Nhật Bản (Bản án số 158 QĐ-PT ngày 18/9/2001), Tòa án nhân dân tối cao cũng đã áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp và cũng không lý giải tại sao lại chọn luật Việt Nam.

Thực trạng cho thấy, khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam trong thời gian qua, số lượng các tranh chấp hợp đồng về chọn luật áp dụng rất ít ỏi. Tòa án Việt Nam rất hiếm khi áp dụng các quy tắc chọn luật áp dụng (các quy phạm xung đột) để chọn luật áp dụng mà thường dựa trên các điều khoản hợp đồng hoặc áp dụng trực tiếp các quy phạm nội dung trong nước của Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Điều đó tạo ra tính không khách quan trong việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài, làm giảm uy tín, cũng như hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế tại Việt Nam.

Đối với trọng tài thường có xu hướng lựa chọn luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng rộng hơn nhiều so với Tòa án quốc gia do trọng tài không buộc phải lựa chọn hệ thống pháp luật quốc gia để giải quyết tranh chấp như Tòa án. Có thể thấy, nhiều vụ việc trong thực tiễn, các bên không quy định luật áp dụng cho hợp đồng, do đó, trọng tài thường dựa trên những yếu tố gắn bó nhất với hợp đồng, hay nơi thực hiện nghĩa vụ đặc trưng để giải quyết vụ việc như vụ tranh chấp giữa một công ty Ba Lan và một doanh nghiệp Việt Nam. Theo phán quyết của trọng tài, trong hợp đồng do hai bên ký kết không quy định luật áp dụng cho hợp đồng. Trọng tài xét xử vụ kiện này đã quyết định luật áp dụng cho hợp đồng là luật Việt Nam, căn cứ vào các tiêu chí sau: Người xuất khẩu (người bán) là doanh nghiệp Việt Nam; nơi xét xử là Việt Nam; tại phiên họp xét xử nguyên đơn (Ba Lan) tuyên bố chấp nhận luật áp dụng cho hợp đồng là luật Việt Nam và bị đơn không phản đối gì.

Về nội dung tranh chấp, trọng tài cũng chủ động lựa chọn các giải pháp cụ thể mà trọng tài cho là “phù hợp nhất” như vụ việc tranh chấp giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một công ty Hoa Kỳ. Theo phán quyết của trọng tài, “mức lãi suất 9%/năm do nguyên đơn (Việt Nam) tính toán là quá cao và không phù hợp với mức lãi suất tiền vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Trọng tài đã quyết định áp dụng pháp luật Việt Nam nhưng trong phán quyết không thấy diễn giải tại sao pháp luật Việt Nam là pháp luật được áp dụng cho hợp đồng.

**

Tóm lại, qua thực tiễn một số vụ việc nói trên, có thể thấy, việc xác định luật áp dụng là pháp luật nước ngoài tại Tòa án Việt Nam còn hạn chế. Phần lớn các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài được các bên lựa chọn giải quyết tại trọng tài thương mại quốc tế - một phương thức linh hoạt, có nhiều ưu điểm và phù hợp với hoạt động của các thương nhân.

TS. BÙI THỊ THU (Đại học Luật Hà Nội) 

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

36144

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]