27/09/2024 17:02

Cho vay tiền nhưng giấy vay nợ có nội dung không rõ ràng thì có đòi được không?

Cho vay tiền nhưng giấy vay nợ có nội dung không rõ ràng thì có đòi được không?

Trên thực tế, việc cho vay tiền là giao dịch dân sự hết sức phổ biến. Người ta có thể dễ dàng cho nhau vay một khoản tiền thông qua một cuộc nói chuyện, một vài tin nhắn hay một cuộc điện thoại... mà không cần giấy tờ ghi nợ hoặc ghi giấy nợ những nội dung thể hiện không rõ ràng. Vậy, cho vay tiền nhưng giấy vay nợ có nội dung không rõ ràng thì có đòi được không?

Cho vay tiền nhưng giấy vay nợ có nội dung không rõ ràng thì có đòi được không?

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

(1) Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

(2) Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Bên cạnh đó tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ của bên vay tài sản như sau:

Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, trường hợp cho vay tiền nhưng giấy vay nợ có nội dung không rõ ràng tuy nhiên giao dịch cho vay đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự, việc thỏa thuận cho vay tiền giữa các bên vẫn đạt được mục đích, trên tinh thần tự nguyện và không trái quy định pháp luật thì giao dịch được coi là hợp pháp và người cho vay tiền vẫn có thể đòi nợ từ người vay.

Do đó, sau khi thu thập được các tài liệu, chứng cứ xác nhận về việc người cho vay tiền đã chuyển tiền, đưa tiền,... cho người vay thì người cho vay có thể tiến hành khởi kiện tại tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản (bị đơn không thừa nhận có vay tiền)

Tham khảo tình huống tại Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản (bị đơn không thừa nhận có vay tiền) số 30/2022/DS-PT do Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử ngày 21/02/2022 có nội dung được tóm tắt như sau:

[...] 

Bà Trương Thị Ngọc D khởi kiện bà Hồ Thị Mai T về khoản nợ 200 triệu đồng. Theo bà D, hai bên có quan hệ vay mượn từ trước, đến 21/02/2015 xác nhận số nợ là 420 triệu đồng. Bà T đã trả dần theo thỏa thuận, đến 01/3/2021 còn nợ 200 triệu đồng. Bà D yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo việc trả nợ. 

Bà T không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của bà D vì bà T xác định không có nợ bà D số tiền 200.000.000 đồng, bà T cũng không ký vào hợp đồng hay biên nhận vay tiền nào của bà D.

Đối với 02 biên nhận mà bà D giao nộp cho Tòa án cũng không có biên nhận nào có nội dung thể hiện bà T vay tiền của bà D và hiện còn nợ bà D 200.000.000 đồng. Do các biên nhận mà bà D cung cấp không thể hiện nội dung bà T có vay tiền của bà D nên bà T cũng không yêu cầu giám định đối với các biên nhận này.

Tuy nhiên, ông Võ Hoàng K, Trưởng khu phố H, làm chứng rằng trong buổi làm việc với cán bộ Tòa án ngày 08/3/2021, bà T đã xác nhận còn nợ bà D 217 triệu đồng sau khi kiểm tra sổ theo dõi của mình.

[...] 

Qua nội dung bản án có thể thấy được nguyên đơn bà Trương Thị Ngọc D yêu cầu bị đơn bà Hồ Thị Mai T (tên gọi khác là T) trả số tiền còn nợ là 200.000.000 đồng, chứng cứ nguyên đơn cung cấp là 02 giấy nợ (BL số 7,8) nhưng bị đơn đã không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do bị đơn không có vay tiền của nguyên đơn, giữa nguyên đơn và bị đơn không có hợp đồng vay tiền hay biên nhận nợ nào, các biên nhận mà nguyên đơn cung cấp cho Toà án không thể hiện nội dung nào bị đơn có vay của nguyên đơn số tiền 200.000.000 đồng. 

Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào Biên bản xác minh ngày 08/3/2021 của TAND huyện Chợ Lách và Biên bản làm việc ngày 14/6/2021 có nội dung bị đơn thừa nhận còn nợ nguyên đơn số tiền 217.000.000 đồng để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. 

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 127/2021/DS-ST ngày 23/9/2021 Tòa án nhân dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trương Thị Ngọc D đối với bà Hồ Thị Mai T về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Buộc bà Hồ Thị Mai T có nghĩa vụ phải trả cho bà Trương Thị Ngọc D số tiền vay là 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng). Ghi nhận bà D không yêu cầu tính lãi.

Ngày 01/10/2021, bị đơn bà Hồ Thị Mai T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do bà T không có nợ bà D số tiền 200.000.000 đồng như bà D trình bày. Khi bà ký tên vào biên bản xác minh ngày 08/3/2021 của TAND huyện Chợ Lách bà không hiểu rõ nội dung biên bản vì bà là người dân tộc Hoa, sự hiểu biết Tiếng Việt bị hạn chế.

Quyết định của bản án phúc thẩm 30/2022/DS-PT ngày 21/02/2022 như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Hồ Thị Mai T.

Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 127/2021/DS-ST ngày 23/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trương Thị Ngọc D đối với bà Hồ Thị Mai T về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Buộc bà Hồ Thị Mai T có nghĩa vụ phải trả cho bà Trương Thị Ngọc D số tiền vay là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu) đồng. Ghi nhận bà D không yêu cầu tính lãi.

Do đó, mặc dù các giấy nợ do bà D cung cấp chưa đủ căn cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của bà D, tuy nhiên căn cứ vào Biên bản xác minh ngày 08/3/2021 và Biên bản làm việc ngày 14/6/2021 của TAND huyện Chợ Lách thì bà T đã thừa nhận còn nợ của bà D số tiền 217.000.000 đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà D trình bày, do bà T khó khăn nên bà chỉ yêu cầu trả 200.000.000 đồng, bà không yêu cầu tính lãi. 

Như vậy, từ những phân tích và lập luận trên, Toà án xét kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở nên không được chấp nhận và tuyên xử “Buộc bà Hồ Thị Mai T có nghĩa vụ phải trả cho bà Trương Thị Ngọc D số tiền vay là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu) đồng” là hoàn toàn phù hợp.

Nguyễn Ngọc Trầm
907

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]