07/01/2020 11:49

Cho ở nhờ trên đất lâu ngày có thể bị mất đất?

Cho ở nhờ trên đất lâu ngày có thể bị mất đất?

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đã là đất của mình thì khi cho người khác ở nhờ thì đất đó vẫn mãi là của mình, không mất đi đâu được. Thế nhưng sự thật có phải vậy không?

Điển hình tại Bản án 49/2018/DS-PT ngày 23/03/2018 về tranh chấp đòi nhà đất cho ở nhờ, theo đó:

"Nguồn gốc nhà đất: Bố mẹ bà Nguyễn Thị Ch là cụ Nguyễn S1 và Nguyễn Thị H1 có một thửa đất diện tích 3 sào 08 thước 2 tấc tại tổ 9, khu vực X, phường T, thành phố Q, tỉnh Bình Định. Năm 1957 cụ S1, cụ H1 có cho bà Ch diện tích 310m2 bà có làm một căn nhà tranh, vách đất lát nền gạch diện tích 10m2. Năm 1960 cụ Lê Văn A1 (bố của ông Lê Văn M) đến xin ở nhờ, hai bên không viết giấy tờ gì. Năm 1975 nhà cửa dột nát, cụ A1 nhiều lần sửa chữa cơi nới rộng diện tích và làm nhà mới, bà Ch vẫn đồng ý. Sau đó cụ A1 giao lại nhà đất cho ông Lê Văn M quản lý sử dụng. Khoảng năm 1995, bà Ch nhiều lần đến gặp ông M đòi lại nhà nhưng ông M không trả; thửa đất đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia đình bà Ch; ông M lén lút đi đăng ký kê khai hợp pháp quyền sở hữu nhà đất nói trên".

Tòa án nhận định: Lời trình bày của bà Nguyễn Thị Ch về việc đã cho cụ Lê Văn A1 ở nhờ nhà đất là có căn cứ. Tuy nhiên xét điều kiện của gia đình ông M hiện có 19 thành viên đang chung sống ổn định, thời gian gần 58 năm trên thửa đất này. Quá trình sửa chửa, xây dựng lại nhà cửa bà Ch điều biết và đồng ý, việc ông M xây dựng lại nhà ở kiên cố vào năm 2009, 2010 là trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, ông M không có lỗi trong việc xây dựng nhà cửa.

Vì vậy, tòa tuyên xử: Buộc ông Lê Văn M và  bà Nguyễn Thị Ph2 trả lại 82,7m2 đất (phần đất trồng cây lâu năm) cho bà Nguyễn Thị Ch. Đối với phần diện tích 118,8m2 do ông M đã xây dựng nhà kiên cố, đã chuyển mục đích sử dụng đất và đã nộp 50% tiền sử dụng đất; Nên không buộc ông Lê Văn M trả lại phần đất này cho bà Ch mà ông M chỉ phải trả lại 50% giá trị đất (118,8m2) cho bà Ch tương đương 503.118.000 đồng.

Như vậy có thể thấy rằng, trong trường hợp của bà Ch như trên thì bà Ch đã bị mất một phần đất của mình (tương đương 118,8m2 : 2 = 59,4m2) dù bà chứng minh được gia đình ông M chỉ ở nhờ trên đất nhà mình.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền đòi lại tài sản như sau:

Điều 166. Quyền đòi lại tài sản

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định nào về việc người cho ở nhờ chỉ được nhận lại một phần giá trị giá trị đất khi đã cho người khác ở nhờ lâu ngày như trường hợp bản án trên đã tuyên.

Vẫn có nhiều thắc mắc về việc tòa án tuyên bản án trên có đúng pháp luật không? Tuy nhiên, tốt nhất để tránh các rủi ro có thể xảy ra thì bên cho ở nhờ nên làm văn bản về việc cho ở nhờ cũng như các ràng buộc cụ thể về thời gian cho ở nhờ cũng như nghĩa vụ bắt buộc phải trả lại đất khi bên cho ở nhờ đòi lại đất. 

Nguyễn Sáng
16306

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]