13/06/2024 14:17

Chợ đầu mối là gì? 07 quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối từ 01/8/2024

Chợ đầu mối là gì? 07 quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối từ 01/8/2024

Chợ đầu mối là gì? Theo quy định pháp luật thì thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối có những quyền và nghĩa vụ gì?

Ngày 05/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ. Trong đó, có quy định về chợ đầu mối.

1. Chợ đầu mối là gì?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 60/2024/NĐ-CP về chợ đầu mối như sau:

“Chợ đầu mối là chợ tập trung hàng hóa từ các nguồn sản xuất, kinh doanh để phân phối tới các chợ và các kênh phân phối, lưu thông khác.”

Đồng thời, tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 60/2024/NĐ-CP chợ đầu mối là chợ có công năng sử dụng tập trung hàng hóa từ các nguồn sản xuất, kinh doanh để phân phối tới các chợ và các kênh phân phối, lưu thông khác và đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Quy mô (diện tích): diện tích mặt bằng đất nền chợ tối thiểu là 10.000 m2 không kể diện tích dành cho khuôn viên, đường đi, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.

- Vị trí: kết nối với các loại hình giao thông, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

- Hạng mục công trình bao gồm:

+ Các công trình thiết yếu: bãi giữ xe, hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải, địa điểm tập kết phế thải, phế liệu, khu vệ sinh và kho, bãi xe tập kết hàng hóa;

+ Các hạng mục yêu cầu kỹ thuật: phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật;

+ Các hạng mục khu vực chính: khu kinh doanh hàng hóa theo từng phân khu ngành hàng (gồm khu vực bán buôn và khu vực bán lẻ); khu trụ sở văn phòng; khu kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch (hàng hóa có nguồn gốc động vật, thực vật được xuất khẩu, nhập khẩu), truy xuất và quản lý chất lượng; khu vực phân loại và sơ chế, gia công, bao bì, đóng gói hàng hóa; kho bãi tập kết giao, nhận hàng hóa; khu dịch vụ hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu và khu vực bốc, xếp hàng hóa dành cho xe tải và Container.

Đối với những chợ đầu mối đã được đầu tư, xây dựng và đang hoạt động trước khi Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động theo dự án đầu tư.

Như vậy, chợ đầu mối là chợ tập trung hàng hóa từ các nguồn sản xuất, kinh doanh để phân phối đến các chợ và các kênh phân phối, lưu thông khác. 

2. Một số quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối từ 01/8/2024

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 60/2024/NĐ-CP về những quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối cụ thể, như sau:

03 quyền của thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối:

- Thương nhân có hợp đồng sử dụng hoặc hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ được quyền hoạt động kinh doanh theo hợp đồng đã ký;

- Thương nhân được sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh đang còn trong thời hạn hợp đồng khi được tổ chức quản lý chợ chấp thuận bằng văn bản;

- Những người kinh doanh không thường xuyên được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng và phải chấp hành Nội quy chợ.

04 nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối:

- Thương nhân kinh doanh tại chợ phải thực hiện theo phương án bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh của tổ chức quản lý chợ;

- Thương nhân kinh doanh tại chợ ngoài việc chấp hành các quy định của pháp luật, phải thực hiện Nội quy chợ và chịu sự quản lý của tổ chức quản lý chợ;

- Hàng hóa, dịch vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ không thuộc trường hợp pháp luật cấm kinh doanh và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện;

- Ngành nghề kinh doanh của thương nhân kinh doanh tại chợ không thuộc ngành, nghề pháp luật cấm đầu tư kinh doanh và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, kể từ ngày 01/8/2024, các thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối sẽ được hưởng một số quyền và phải tuân thủ các nghĩa vụ nhất định. Về quyền lợi, họ được hoạt động kinh doanh theo hợp đồng thuê điểm kinh doanh, được sang nhượng hoặc cho thuê lại điểm này nếu được chợ chấp thuận. Đối với thương nhân không thường xuyên, sẽ có khu vực riêng để bán hàng. 

Bên cạnh đó, các nghĩa vụ bao gồm phải tuân thủ phương án bố trí khu vực kinh doanh của chợ, chấp hành nội quy và chịu sự quản lý của tổ chức quản lý chợ. Hàng hóa, dịch vụ và ngành nghề kinh doanh không thuộc trường hợp cấm đầu tư kinh doanh, đáp ứng điều kiện pháp luật về hàng hóa, dịch vụ hạn chế và ngành đầu tư có điều kiện.

Nguyễn Ngọc Trầm
468

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]