17/03/2023 17:06

Chịu trách nhiệm liên đới đối với tài sản do vợ/chồng mất để lại

Chịu trách nhiệm liên đới đối với tài sản do vợ/chồng mất để lại

Tôi và chồng có buôn bán nhỏ nhưng phá sản, giờ chồng tôi đã mất. Tôi có phải chịu trách nhiệm trả phần nợ mà vợ chồng đang gánh chịu do thua lỗ không? Mai Anh – Hà Tĩnh

Quy định của pháp luật về chịu trách nhiệm liên đới giữa vợ/chồng như thế nào? Thông qua bản án dưới đây sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi này.

Theo bản án dân sự phúc thẩm 303/2022/QĐ-PT về tranh chấp hợp đồng mua bán ngày 08 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An nội dung vụ án cụ thể như sau:

"Từ ngày 16-2-2011 đến ngày 22-6-2013, ông Trương Vĩnh H bán thức ăn chăn nuôi heo cho bà Nguyễn Thị T và ông Huỳnh Nam S. Ông H trực tiếp giao dịch bằng điện thoại với bà T, có lúc chồng bà T là ông Huỳnh Nam S (đã chết). Khi giao hàng có khi bà T và ông S nhận hàng và ký xác nhận công nợ. Việc mua bán được ông H lập sổ theo dõi. Ông H bán cho bà T ông S 03 sản phẩm thức ăn hiệu Cargill có ký hiệu như sau: mã số 8002: sản phẩm cám cho heo con (heo<15 kg); mã số 1442: sản phẩm cám cho heo mang thai và mã số 1422: sản phẩm cám cho heo thịt.

Mỗi lần giao hàng cho ông S bà T, ông H ghi rõ 04 cột gồm: ngày giao hàng, loại cám, số lượng bao, giá mỗi bao. Rồi cộng lại tổng giá trị của mỗi đợt giao hàng. Khi giao hàng bà T ông S trả bớt thì ông H ghi dòng tiếp theo. Bà T và ông S ký tên. Tính đến ngày 14-01- 2013, ông S và bà T còn thiếu ông H số tiền 1.195.130.800 đồng. Giữa ông H và ông S thỏa thuận tách 1.000.000.000 đồng ra tính lãi 1%/tháng, tính lãi từ ngày 20-02-2012 đến ngày 20-02-2013 là 122.000.000 đồng, ông H cho ông S nợ 1 năm. Số tiền còn lại 195.130.800 đồng không tính lãi và tiếp tục cộng dồn với đơn hàng mới.

Ngày 22-6-2013, bà T không tiếp tục mua cám của ông H do chăn nuôi không hiệu quả nên ông H và bà T đối chiếu công nợ, xác nhận số công nợ là 273.989.500 đồng. Do đó cộng với số nợ cũ là 1.122.000.000 đồng nên tổng số nợ là 1.395.989.500 đồng. Ông S bà T và ông H thỏa thuận trả dần nhưng trong 3 tháng phải trả dứt khoản nợ. Sau đó ông S bà T chỉ trả dần hàng tháng từ ngày 19-10-2013 đến ngày 16-02- 2019 tổng số tiền là 367.000.000 đồng. Từ tháng 3-2019 ông S chết nên không tiếp tục trả nữa. Ông H đã nhiều lần đến nhà yêu cầu bà T thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo nội dung thỏa thuận nhưng bà T không thực hiện. Nhận thấy việc không thanh toán nợ của bà T đã trực tiếp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông H. Do đó, ông H khởi kiện, đề nghị Tòa án nhân dân huyện Thủ Thừa, tuyên buộc bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị B, ông Huỳnh Minh T1 và bà Huỳnh Minh H2 liên đới trả cho ông Trương Vĩnh H số tiền còn nợ là 1.028.989.500 đồng, không yêu cầu tính lãi. Thời gian trả 01 lần khi bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật."

Tòa án nhân dân tỉnh Long An quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trương Vĩnh H đối với bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị B, ông Huỳnh Minh T1 và bà Huỳnh Minh H2 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán”

Buộc bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị B, ông Huỳnh Minh T1 và bà Huỳnh Minh H2 có trách nhiệm trả cho ông Trương Vĩnh H số tiền mua thức ăn gia súc là 906.267.500 đồng.

Căn cứ, việc mua bán xảy ra trong khoảng thời gian dài tuy nhiên ông H có lập sổ giao nhận hàng theo dõi và ghi từng ngày cụ thể liên tục, không bỏ nhảy trang, đồng thời bà T ký tên đầy đủ mỗi lần giao nhận hàng. Do đó đủ cơ sở để khẳng định sổ giao nhận hàng hóa có giá trị pháp lý, dùng làm căn cứ giải quyết vụ án.

Đồng thời trên từng trang có thể hiện số lượng đơn giá và thành tiền việc Bà T ký nhận các trang sau mà không phản đối coi như chấp nhận.

Trong vụ án, hợp đồng mua bán diễn ra trước khi Bộ Luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực nên sẽ áp dụng một số quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 hay còn gọi là nguyên tắc “hồi tố”.

Điều 124. Hình thức giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

2...

Điều 428. Hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.

Điều 438. Nghĩa vụ trả tiền

Bên mua phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm giao tài sản.

Bên mua phải trả lãi, kể từ ngày chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 305 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Căn cứ các quy định theo Bộ Luật Dân sự năm 2015:

Điều 430. Chất lượng của vật mua bán

Chất lượng của vật mua bán do các bên thoả thuận.

2...

Điều 440. Thời điểm chịu rủi ro

Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán cho đến khi tài sản được giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ khi nhận tài sản, nếu không có thoả thuận khác.

2…

Hợp đồng mua bán được ông H trực tiếp thỏa thuận với bà T, có lúc ông S thông qua điện thoại thì đây cũng là hình thức của giao dịch dân sự được pháp luật công nhận. Đồng thời trong những lần giao hàng ông H còn thể hiện đầy đủ thông tin về hàng hóa, giá cả, và có chữ kí xác nhận của ông S, bà T. Dựa và kết quả giám định chữ ký cùng với các hóa đơn chứng từ do phía ông H cung cấp (tuy có bị tẩy xóa, nhưng vẫn còn xem được nội dung, và nội dung mua bán liền mạch không bị nhảy trang), đồng thời bên phía bà T cũng không có chứng cứ thể hiện đã thanh toán hết nợ cho ông H. Nên Tòa án công nhận yêu cầu khởi kiện của ông H là hoàn toàn có cơ sở.

Căn cứ quy định về chịu trách nhiệm liên đới về tài sản chung của vợ chồng tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.

Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân

Như vậy, dựa vào các căn cứ trên việc mua thức ăn chăn nuôi heo của ông S thuộc khoản 1 Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì khoản nợ này nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu, nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, phát triển kinh tế, đời sống gia đình và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình nên thuộc nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.

Do đó, việc mua bán xảy ra trong thời kỳ hôn nhân giữa bà T và ông S đang tồn tại. Việc chăn nuôi là nhằm mục đích phát triển kinh tế gia đình. Bà T trình bày nhưng không cung cấp được tài liệu chứng cứ để chứng minh. Ông S chết để lại nghĩa vụ về tài sản. Ông H khởi kiện yêu cầu bà T và những người thừa kế của ông S phải có trách nhiệm trả tiền mua bán và được Tòa án công nhận là có cơ sở.

Nguyễn Ngọc Trầm
1336

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn