Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.
Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14/02/2025.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định điểm ưu tiên được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 (mười) đối với mỗi môn thi.
Cụ thể, có 03 nhóm đối tượng được cộng ưu tiên như sau:
Nhóm | Đối tượng được cộng | Mức cộng điểm theo Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT | Mức cộng điểm theo quy định hiện hành |
01 | - Con liệt sĩ; - Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; - Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; - Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”. - Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; - Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; - Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng tám năm 1945. | 2,0 điểm | 1,5 điểm |
02 | - Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; - Con thương binh mất sức lao động dưới 81%; - Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; - Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%. | 1,5 điểm | 1,0 điểm |
03 | - Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; - Người dân tộc thiểu số; - Học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. | 1,0 điểm | 0,5 điểm |
Tại khoản 1 Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định những đối tượng sau đây được tuyển thẳng vào THPT gồm:
- Học sinh trường trung học phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở.
- Học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người.
- Học sinh là người khuyết tật.
- Học sinh trung học cơ sở đạt giải cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc phối hợp với các Bộ và cơ quan ngang Bộ tổ chức trên quy mô toàn quốc đối với các cuộc thi, kì thi, hội thi (sau đây gọi chung là cuộc thi) về văn hóa, văn nghệ, thể thao; cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.
- Học sinh trung học cơ sở đạt giải trong các cuộc thi quốc tế do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định chọn cử.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định môn thi, bài thi tuyển vào lớp 10 như sau:
- Số môn thi, bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và 01 môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn 01 trong 02 phương án sau:
+ Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 năm liên tiếp;
+ Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Đối với các trường THPT thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi hoặc bài thi thứ ba do Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn.
- Môn thi hoặc bài thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 3 hằng năm.
- Thời gian làm bài thi:
+ Môn Ngữ văn: 120 phút,
+ Môn Toán: 90 phút hoặc 120 phút;
+ Môn thi thứ ba: 60 phút hoặc 90 phút; bài thi thứ ba: 90 phút hoặc 120 phút.
- Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là lớp 9.
- Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, học sinh phải thi các môn thi, bài thi như trên và 01 môn thi chuyên.
Mỗi môn chuyên có 01 đề thi riêng theo chương trình môn học cấp trung học cơ sở, nội dung thi bảo đảm tuyển chọn được học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.