Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Có thể hiểu quỹ dự phòng tiền lương là khoản tiền do doanh nghiệp lập ra để dành riêng cho việc chi trả lương cho người lao động.
Mục đích chính của quỹ dự phòng tiền lương đó là nhằm đảm bảo cho việc trả lương cho người lao động không bị gián đoạn, kể cả trong khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính.
Ngày 08/12/2023, Cục thuế thành phố Hà Nội có Công văn 86486/CTHN-TTHT về chính sách thuế TNDN đối với quỹ trích lập dự phòng tiền lương có nội dung như sau:
(1) Chi tiền lương, tiền công cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi, vẫn có thể được trừ thuế TNDN khi lập quỹ dự phòng tiền lương
Cụ thể, theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư 151/2014/TT-BTC) như sau:
Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
...
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
...
2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
...
c) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.
...
Như vậy, khi doanh nghiệp chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả khác cho người lao động nhưng đã hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi thì sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương để bổ sung vào quỹ tiền lương năm sau liền kề, thì vẫn có thể được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN khi doanh nghiệp chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả khác cho người lao động.
Mức dự phòng hàng năm sẽ do doanh nghiệp quyết định, nhưng không được phép quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
Ngoài ra, việc trích lập quỹ dự phòng tiền lương cũng cần đảm bảo sau khi trích lập doanh nghiệp không bị lỗ. Trường hợp doanh nghiệp lỗ thì không được trích mức 17%.
(2) Không phải tính giảm chi phí tiền lương, tiền công nếu sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương
Cũng theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định thì trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì doanh nghiệp phải tính giảm chi phí của năm sau.
Theo đó, sau 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính mà doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương được trích từ năm ngoái thì sẽ phải tính giảm chi phí tiền lương, tiền công cho kỳ tính thuế năm sau.
Điều đó có nghĩa rằng nếu doanh nghiệp sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương trong 06 tháng đó thì sẽ không phải tính giảm chi phí tiền lương, tiền công cho kỳ tính thuế năm sau.
Cũng theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư 151/2014/TT-BTC) thì:
Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
...
2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 4 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính):
- Khoản chi, có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ Điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những Khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Như vậy, khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC.