02/05/2023 23:49

Chính sách của nhà nước về phát triển hợp tác xã năm 2023 (dự kiến)

Chính sách của nhà nước về phát triển hợp tác xã năm 2023 (dự kiến)

Hiện nay, Chính phủ đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định điều chỉnh Luật Hợp tác xã, vậy có những chính sách nào đáng lưu ý tại Dự thảo này? “Hải Nam – Cà Mau”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Theo đề xuất mới do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tại Dự thảo Nghị định về quy định chi tiết một số điều của luật hợp tác xã (sửa đổi) có những điểm mới như sau:

1. Tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước

Theo Điều 4 Dự thảo Nghị định về quy định chi tiết một số điều của luật hợp tác xã (sửa đổi) về tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước, như sau:

Hợp tác xã được nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi đáp ứng các tiêu chí sau:

- Có báo cáo tài chính được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập trong vòng 12 tháng từ thời điểm đề xuất hỗ trợ đối với nội dung chính sách có nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước từ 03 tỷ đồng trở lên cho một hợp tác xã.

- Đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:

+ Có tỷ lệ tăng trưởng số lượng thành viên hàng năm liên tục trong 3 năm trên 5% tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

+ Có tỷ lệ giá trị giao dịch nội bộ hàng năm tăng liên tục trong 3 năm tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

+ Có tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia hoặc phát triển tài sản chung không chia hàng năm đạt từ 10% trở lên liên tục trong 3 năm tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

+ Tổ chức giáo dục, đào tạo, phổ biến, bồi dưỡng cho ít nhất 10% tổng số thành viên chính thức hàng năm liên tục trong 03 năm tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

Như vậy, so với Nghị định 193/2013/NĐ-CP thì tại Dự thảo lần này đã quy định cụ thể Hợp tác xã nếu đáp ứng đủ những tiêu chí cụ thể sẽ được hưởng chính sách của Nhà nước như: thành viên hợp tác xã, số lượng giao dịch…

2. Chính sách phát triển nguồn nhân lực

Theo điều Điều 5 Dự thảo Nghị định về quy định chi tiết một số điều của luật hợp tác xã (sửa đổi) về chính sách phát triển nguồn nhân lực hợp tác xã, như sau:

- Đối tượng hỗ trợ

Cán bộ, thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của hợp tác xã.

- Điều kiện hỗ trợ

+ Được hợp tác xã cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ với chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác và nhu cầu đơn vị; đủ điều kiện tuyển sinh của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; có năng lực và trình độ phù hợp với khóa học.

+ Đối với trường hợp cử đi đào tạo dài hạn: Ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên, đối tượng được hỗ trợ phải dưới 50 tuổi và cam kết bằng văn bản làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác ít nhất gấp đôi thời gian tham gia khóa đào tạo, chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với nhà nước trong trường hợp không thực hiện cam kết.

- Nội dung hỗ trợ

+ Đào tạo: Đối với cán bộ, thành viên hợp tác xã: học phí theo mức quy định của cơ sở đào tạo; kinh phí mua giáo trình của khóa học; chi phí ăn, ở.

Đối với công chức, cán bộ hợp tác xã: Cấp học bổng đào tạo, nghiên cứu dài hạn trong nước và tại nước ngoài về hợp tác xã và các chuyên ngành hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác. Học bổng bao gồm: toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định của chế độ tài chính hiện hành.

Xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến về kinh tế hợp tác: Xây dựng khung, nội dung chương trình đào tạo trực tuyến; triển khai thực hiện đào tạo trực tuyến về kinh tế hợp tác; xây dựng, vận hành và duy trì trang thông tin điện tử về đào tạo trực tuyến.

+ Bồi dưỡng: Đối với cán bộ, thành viên hợp tác xã: chi phí đi lại từ trụ sở đến cơ sở bồi dưỡng (trừ vé máy bay); kinh phí xây dựng và mua tài liệu của chương trình khóa học; các khoản chi phí tổ chức, quản lý lớp học; thuê hội trường; thù lao giảng viên; tham quan, khảo sát; chi phí ăn, ở theo định mức được áp dụng tương tự như đối với công chức nhà nước.

Đối với công chức, cán bộ Hợp tác xã: Cấp học bổng bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài (bao gồm: toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định của chế độ tài chính hiện hành) và tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn trong nước cho cán bộ quản lý về kinh tế hợp tác.

Hỗ trợ đưa cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã: hỗ trợ lương cho các cán bộ, người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các hợp tác xã.

- Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ

+ Đào tạo:

Đối với cán bộ, thành viên hợp tác xã: Ngân sách địa phương đảm bảo 100% kinh phí cho việc trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đạo tạo; hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.

+ Bồi dưỡng:

Đối với cán bộ, thành viên hợp tác xã: Ngân sách Nhà nước: đảm bảo 100% kinh phí đi lại, tổ chức lớp học và mua tài liệu học tập; hỗ trợ 100% chi phí ăn ở đối với các hợp tác xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật hiện hành (bao gồm: các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo); Đối với các vùng khác, hỗ trợ 90% đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 80% đối với các hợp tác xã khác.

Đối với cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã: Ngân sách địa phương hỗ trợ cán bộ hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 03 năm/cán bộ, tối đa 02 cán bộ/ hợp tác xã/năm.

Như vậy, theo Dự thảo cán bộ, thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của hợp tác xã sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách địa phương hoặc Ngân sách Nhà nước cho việc trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đạo tạo; hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên. Tuy nhiên, các học viên này cũng phải đáp ứng một số tiêu chí mà tại Dự thảo này đề ra.

Nguyễn Ngọc Trầm
575

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]