20/07/2020 16:16

Chia nhà khi ly hôn: Vẫn được quyền ở lại cho đến khi nhận đủ tiền chênh lệch?

Chia nhà khi ly hôn: Vẫn được quyền ở lại cho đến khi nhận đủ tiền chênh lệch?

Khi vợ chồng đã có quyết định ly hôn, bên không được quyền sở hữu nhà ở dọn đi nơi khác là điều bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, vì những lý do khách quan, chủ quan, có nhiều trường hợp vợ hoặc chồng không có nơi ở, hay chưa thể tìm được nơi ở mới. Vậy giải quyết như thế nào khi vợ hoặc chồng phải mang hành trang ra khỏi nhà mà họ không có nơi nào để ở? Họ có được ở lại “căn nhà chung” không và nếu có thì sẽ được ở lại trong bao lâu?

Tại Bản án 13/2018/HNGĐ-PT ngày 07/05/2018 về tranh chấp tài sản chung của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương có nội dung như sau:

“Bà Mai Thị T và ông Vũ Văn Đ kết hôn vào năm 1977, có đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, sau khi kết hôn từ năm 1977 vợ chồng chung sống được một thời gian ngắn thì phát sinh mâu thuẫn. Bà T và ông Đ sống ly thân đã lâu và không còn tình cảm nên bà T làm đơn khởi kiện ly hôn, ông Đ nhất trí. Bà T ông Đ đều xác định tài sản chung của vợ chồng gồm có diện tích 123,2m2 đất ở, địa chỉ đường L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương, trên đất có nhà xây mái bằng bê tông cốt thép ba tầng.

Khi ly hôn ông bà đề nghị chia đôi tài sản chung của vợ chồng cho mỗi người một nửa. Quan điểm của bà T: bà nhận hiện vật hay tiền mặt bà đều nhất trí nhưng nếu nhận tiền mặt thì yêu cầu thực hiện ngay; còn ông Đ xin được hưởng bằng hiện vật nhưng ông không có tiền mặt để trả chênh lệch cho bà T .”

Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết: giao toàn bộ nhà và đất cho bà T sử dụng, bà T có trách nhiệm thanh toán cho ông Đ ½ giá trị nhà và đất bằng tiền mặt. Tuy nhiên, Tòa án sẽ quyết định cho ông Đ được lưu cư trên nhà, đất đến khi bà T trả tiền xong cho ông Đ.

Về quyền lưu cư, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:

Điều 63. Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn

"Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".

Sau khi ly hôn, nếu bên không được sở hữu nhà chưa thu xếp được chỗ ở khác thì tòa án sẽ ấn định thời gian cho người đang ở nơi đó được quyền lưu lại một thời gian nhất định. Theo quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình, thì khoảng thời gian này là tối đa 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, theo nội dung bản án nêu trên ta có thể thấy rằng, Hội đồng xét xử quyết định cho ông Đ được lưu cư trên nhà, đất đến khi bà T trả tiền xong cho ông Đ. Nếu thời gian bà T trả tiền xong cho ông Đ là nhiều hơn 6 tháng, vậy ông Đ có thể lưu cư trên căn nhà nhiều hơn 6 tháng? Còn trường hợp bà T có thể trả tiền ngay cho ông Đ, mặc dù chưa hết 6 tháng nhưng ông Đ sẽ không được tiếp tục lưu cư? Việc này có vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình?

Thiết nghĩ rằng, Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương và Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương nên đưa ra nhận định cụ thể hơn về khoảng thời gian lưu cư của ông Đ là bao nhiêu tháng để đảm bảo được quyền lợi của ông Đ và bà T.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Việc lưu cư này cần được Tòa án ghi một khoảng thời gian cụ thể để đảm bảo quyền lợi của hai bên đương sự. Tránh trường hợp khi một bên đã thực hiện xong việc hoàn tiền chênh lệch nhưng bên được nhận tiền vẫn còn gặp khó khăn chưa tìm chỗ ở mới, được lưu cư quá ít hoặc trường hợp người lưu cư quá lâu, ảnh hưởng tới quyền lợi bên được nhận nhà.

Thu Linh
5951

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn