25/06/2020 16:19

Chia di sản thừa kế khi đất không có sổ đỏ được không?

Chia di sản thừa kế khi đất không có sổ đỏ được không?

Quyền sử dụng đất là một trong những di sản có giá trị lớn. Trên thực tế, nhiều người sử dụng đất đã có từ lâu mà không hề có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Điều này gây khó khăn cho Tòa án trong việc xác định nguồn gốc đất khi giải quyết các tranh chấp chia thừa kế đối với di sản.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 23/2017/DSPT ngày 25/09/2017 về tranh chấp di sản thừa kế có nội dung như sau:

“Cụ Đào Văn Đ (chết năm 1987) cụ Lê Thị B (chết năm 2013). Hai cụ có 08 người con và khi chết cả hai không để lại di chúc. Di sản hai cụ để lại là 01 thửa đất ở tại thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Hưng Yên, diện tích khoảng 1.500 m2, có chiều dài phía đông dài khoảng 20m; phía tây dài khoảng 20m, phía nam dài khoảng 80m; phía bắc dài khoảng 80 m. Thửa đất này được thể hiện tại thửa 96, thửa 97 bản đồ số 6, bản đồ 299 năm 1987. UBND xã B không lưu giữ bất kỳ giấy tờ, sổ sách nào thể hiện việc năm 1986 vợ chồng cụ Đào Văn Đ và Lê Thị B được UBND xã B cấp đất tại thôn A.

Ngày 05/5/2016, ông T (con) có đơn khởi kiện yêu cầu: Chia toàn bộ di sản của cụ Đào Văn Đ và cụ Lê Thị B.

Tòa án nhân đân tỉnh Hưng Yên xác định nguồn gốc thửa đất số 96, 97 tờ bản đồ số 6, bản đồ 299:

Tại tờ bản đồ số 6, bản đồ 299 và sổ mục kê tờ bản đồ 299 năm 1987 do UBND xã B quản lý thửa đất số 96, có diện tích 704 m2, loại đất T, không ghi chú sử dụng và thửa đất 97. UBND xã B xác định: cụ Đào Văn Đ và cụ Lê Thị B đã quản lý, sử dụng ổn định, liên tục hai thửa đất trên từ trước năm 1987 cho đến khi các cụ chết và UBND xã B từ đó đến nay không có ý kiến gì. Toàn bộ diện tích đất này nằm trong quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”

Tòa án nhân đân tỉnh Hưng Yên đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia tài sản thừa kế của các nguyên đơn.

Theo nguyên tắc khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì người sử dụng đất mới có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong đó có quyền để lại di sản thừa kế.Tuy nhiên, thiếu sổ đỏ việc thực hiện quyền sẽ gặp khó khăn, nhưng không đồng nghĩa quyền sử dụng đất bị tước bỏ.

Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, trường hợp người sử dụng đất chết để lại di sản là bất động sản khi chưa được cấp Giấy chứng nhận mà có thừa kế, thì vẫn xác định di sản thừa kế nhưng cần căn cứ vào các yếu tố như người sử dụng đất đã có loại giấy tờ nào, có sử dụng đất ổn định không, có tranh chấp hay không… để xác định đất đó có thuộc vào di sản thừa kế không?

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

2. …

Tại Điểm a mục 1.3 phần II của Nghị quyết số 02/2004 ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có quy định:

 …

“1.3. Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 này nhưng có di sản là nhà ở; vật kiến trúc khác (như: nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ...cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác) gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà yêu cầu chia thừa kế, thì cần phân biệt các trường hợp sau:

a) Trong trường hợp đương sự có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Tòa án giải quyết theo yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó”.

Theo đó, đất do người chết để lại nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nếu có các giấy tờ khác chứng minh được nguồn gốc đất hoặc UBND cấp có thẩm quyền có văn bản xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, đất được sử dụng ổn định lâu dài, không có tranh chấp thì Tòa án vẫn xác định đây là di sản thừa kế và tiến hành chia thừa kế theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Với những quy định trên cho thấy pháp luật đang nhìn vào thực tế quyền sử dụng đất. Cấp sổ là thao tác mang tính hình thức nhằm tạo tiền đề để nhà nước quản lý và tạo điều kiện thực hiện quyền của người sử dụng đất.

Như Ý
16534

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]