Trong năm 2025, Học viện Quân y đã được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo hệ dân sự.
Theo đó, Học viện Quân y sẽ tuyển 630 sinh viên, học viên hệ dân sự, từ đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, II.
Trong đó, với hệ đại học, Học viện Quân y sẽ tuyển 280 sinh viên ở ba ngành: Y khoa; dược sĩ và y học dự phòng. Trong đó, Y khoa tuyển 200 sinh viên, hai ngành còn lại mỗi ngành 40.
Với hệ đào tạo sau đại học, trình độ thạc sĩ, Học viện Quân y sẽ tuyển 80 học viên ở 13 ngành: Ngoại khoa; nội khoa; khoa học y sinh; bệnh truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới; điện quang và y học hạt nhân; y học cổ truyền; y học dự phòng; y học công cộng; tai mũi họng; khoa học thần kinh; sản phụ khoa; phẫu thuật tạo hình, tái tạo và thẩm mỹ; công nghệ dược phẩm và bào chế thuốc.
Với trình độ tiến sĩ, Học viện Quân y sẽ tuyển 50 học viên ở 16 ngành: Ngoại khoa; nội khoa; khoa học y sinh; bệnh truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới; ung thư; y học cổ truyền; y học dự phòng; quản lý y tế; dịch tễ học; phẫu thuật tạo hình, tái tạo và thẩm mỹ; khoa học thần kinh; dược lý và độc chất; tổ chức quản lý dược; công nghệ dược phẩm và bào chế thuốc; hồi sức cấp cứu và chống độc; gây mê hồi sức.
Số còn lại, Học viện Quân y tuyển sinh bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa I, II.
Về phương thức tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển sẽ được trường công bố sau.
Chi tiết chỉ tiêu tuyển sinh Học viện Quân y năm 2025 (hệ dân sự) cụ thể như sau:
Căn cứ khoản 4 Điều 16 Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định về khám sơ tuyển sức khỏe tuyển sinh quân sự như sau:
Khám sơ tuyển sức khỏe tuyển sinh quân sự
...
4. Nội dung khám, tổ chức các phòng khám, quy trình khám sơ tuyển sức khỏe đối với thí sinh dự tuyển tuyển sinh quân sự thực hiện theo quy định tại các khoản 5, 6 và 8 Điều 8 Thông tư này; hoàn thiện phiếu sơ tuyển sức khỏe tuyển sinh quân sự theo Mẫu 5 Phụ lục V và thống kê báo cáo theo quy định tại Mẫu 3a Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, quy trình khám sơ tuyển sức khỏe tuyển sinh quân sự năm 2025 được thực hiện như sau:
Bước 1: Lập danh sách thí sinh dự tuyển tuyển sinh quân sự khám;
Bước 2: Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám sức khỏe;
Bước 3: Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung bao gồm:
- Khám về thể lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ);
- Khám cận lâm sàng: Công thức máu; nhóm máu (ABO); chức năng gan (AST, ALT); chức năng thận (Ure, Creatinine); đường máu; virus viêm gan B (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV); HIV; nước tiểu toàn bộ. (10 thông số); siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy. Chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác;
Đồng thời thực hiện thêm 2 vòng: Khám thể lực, lâm sàng và khám cận lâm sàng, sàng lọc HIV, ma túy.
Khi khám thể lực và lâm sàng, nếu công dân không đạt một trong các tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì ủy viên Hội đồng trực tiếp khám báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định dừng khám.
Chỉ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm HIV, ma túy cho công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim, chụp X-quang tim phổi thẳng.
Tổ chức tư vấn và xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đối với trường hợp đạt tiêu chuẩn sức khỏe.
Bước 4: Hoàn thiện phiếu sơ tuyển sức khỏe tuyển sinh quân sự theo Mẫu 5 Phụ lục V và thống kê báo cáo theo quy định tại Mẫu 3a Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.