Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại Điều 23 Luật quản lý ngoại thương 2017 thì chỉ định cửa khẩu xuất nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định cửa khẩu được xuất nhập khẩu hàng hóa nhất định.
Theo đó, thẩm quyền áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất nhập khẩu được quy định tại Điều 25 Luật quản lý ngoại thương 2017 cụ thể:
- Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan quyết định, công bố hàng hóa, cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng và lộ trình thực hiện.
- Quyết định áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 45 ngày trước ngày có hiệu lực.
Theo Điều 24 Luật quản lý ngoại thương 2017 quy định mục đích việc áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất nhập khẩu như sau:
- Áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu nhằm quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chống chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận thương mại, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; phù hợp với điều kiện hạ tầng vật chất, kỹ thuật của từng cửa khẩu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Việc áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Lưu ý: Thương nhân có quyền tự do lựa chọn cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong các cửa khẩu đã được chỉ định.
Như vậy, theo quy định trên thì chỉ định cửa khẩu xuất nhập khẩu là biện pháp quản lý của Nhà nước, nhằm quy định cụ thể cửa khẩu được phép xuất nhập khẩu hàng hóa đối với thương nhân.
Theo quy định tại Điều 26 Luật quản lý ngoại thương 2017 thì chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhất định.
Theo đó, thẩm quyền áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất nhập khẩu được quy định tại Điều 28 Luật quản lý ngoại thương 2017 cụ thể:
- Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa và điều kiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa theo Danh mục. (*)
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định tại (*) thực hiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý và chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hoạt động ngoại thương của thương nhân được chỉ định.
Theo Điều 27 Luật quản lý ngoại thương 2017 quy định mục đích của việc áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại;
- Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương quy định tại Chương V của Luật quản lý ngoại thương 2017 về gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài.
Lưu ý: Việc áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của thương nhân được chỉ định thực hiện hoạt động ngoại thương.
Như vậy, chỉ định cửa khẩu và chỉ định thương nhân xuất nhập khẩu có thể hiểu như sau:
- Chỉ định cửa khẩu xuất nhập khẩu là biện pháp của cơ quan nhà nước nhằm quy định cụ thể cửa khẩu được phép xuất nhập khẩu hàng hóa của thương nhân. Mục đích nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hoá; phòng chống gian lận thương mại.
- Chỉ định thương nhân xuất nhập khẩu là biện pháp chỉ định cụ thể thương nhân được phép xuất nhập khẩu đối với một số hàng hoá nhất định. Mục đích áp dụng khi hàng hoá thuộc diện độc quyền nhà nước, áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp...
Cả hai biện pháp trên đều nhằm mục đích quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.
Trân trọng!