16/04/2019 11:24

Chế tài nào cho hành vi lừa đảo qua mạng chiếm đoạt tài sản?

Chế tài nào cho hành vi lừa đảo qua mạng chiếm đoạt tài sản?

Ngày nay, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cùng với đó tội phạm công nghệ ngày càng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khó lường. Không ít người đã sử dụng mạng internet như một công cụ phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Vậy áp dụng chế tài nào cho loại tội phạm này?

Điển hình tại bản án 11/2018/HS-ST ngày 21/06/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm công khai đối với hai bị cáo Trần Bá P và Trần Đình N về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, cụ thể:

“ Ngày 13/9/2017, các bị cáo Trần Bá P và Trần Đình N do ăn chơi đua đòi, muốn kiếm tiền chơi game, tiêu xài cá nhân nên sử dụng máy tính vào mạng internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Với cách thức như sau: Xâm nhập trái phép vào tài khoản facebook của người khác rồi chiếm đoạt luôn tài khoản facebook của họ (Bằng cách thay đổi mật khẩu), sau đó nghiên cứu lịch sử trò chuyện để tiến hành nhắn tin với những người quen của chủ tài khoản facebook mà bị cáo đang chiếm  giữ. Thông qua việc nhắn tin tạo được lòng tin của các bị hại, bị cáo yêu cầu bị hại chuyển số tiền vào một tài khoản của đại lý chuyên mua bán tiền game online. Khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của bị cáo thì bị cáo liên lạc với chủ đại lý chuyên mua bán tiền game online và yêu cầu họ quy đổi số tiền vừa chiếm đoạt được của bị hại thành tiền Vin nạp vào tài khoản của bị cáo.

Bằng phương thức, thủ đoạn như trên các bị cáo P, N đã chiếm đoạt của bị hại với tổng số tiền: 30.000.000 đồng.

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tuyên xử bị cáo Trần Bá P 18 tháng tù và bị cáo Trần Đình N 12 tháng tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

 Đối chiếu với quy định của pháp luật thì tại Khoản 1 Điều 290 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.”

….”

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người đó sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.

Có thể thấy rằng, đối tượng thực hiện tội phạm này phần lớn là thanh, thiếu niên không lo ăn học mà đua đòi ăn chơi, tham gia vào các trò chơi trên mạng, theo những bạn bè xấu hoặc tìm tòi các diễn đàn trên mạng để học cách sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản của người khác nhằm tiêu xài cá nhân. Tuy rằng, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là một tội không mới nhưng vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của loại tội phạm này

Qua vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng mạng xã hội. Mỗi cá nhân cần nâng cao cảnh giác trong quá trình sử dụng mạng xã hội, không để các đối tượng lợi dụng lừa đảo.

Thu Linh
3827

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn