Chính phủ mới ban hành Nghị định 143/2024/NĐ-CP ngày 01/11/2024 quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (sau đây gọi là bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện).
Nghị định 143/2024/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Cụ thể, theo Điều 2 Nghị định 143/2024/NĐ-CP thì đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.
Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định 02 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm:
- Giám định mức suy giảm khả năng lao động.
- Trợ cấp tai nạn lao động.
Trong đó, người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng các chế độ nêu trên khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định tại Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP như sau:
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
- Không thuộc các trường hợp:
+ Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
+ Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện.
Căn cứ Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần như sau:
Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV do Chính phủ quy định, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.
Bên cạnh mức trợ cấp nêu trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV;
(Hiện hành, mức lương tối thiểu vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng theo quy định tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP).
Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động; nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP cũng quy định rằng thân nhân người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bị chết do tai nạn lao động thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiếu vùng IV khi thuộc một trong các trường hợp:
- Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động;
- Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động;
- Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Thời điểm hưởng trợ cấp đối với trường hợp này được tính tại tháng người lao động bị chết.
Lưu ý: Trợ cấp tai nạn lao động thực hiện theo nguyên tắc tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được quy định tại Điều 11 Nghị định 143/2024/NĐ-CP. Theo đó người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện lựa chọn một trong hai phương thức đóng sau:
- Đóng 06 tháng một lần: Mức đóng bằng 6% tháng lương tối thiểu vùng IV.
- Đóng 12 tháng một lần: Mức đóng bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng IV.
Như vậy, nếu áp dụng theo mức lương tối thiểu vùng IV 3,45 triệu đồng/tháng thì mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cụ thể là:
- Đối với phương án đóng 06 tháng một lần: Mức đóng bằng 3.450.000 x 6% = 207.000 đồng.
- Đối với phương án đóng 12 tháng một lần: Mức đóng bằng 3.450.000 x 12% = 414.000 đồng.