14/02/2024 21:25

Chế độ báo cáo thanh tra, giải quyết khiếu nại, phòng chống tham nhũng

Chế độ báo cáo thanh tra, giải quyết khiếu nại, phòng chống tham nhũng

Có những hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo thanh tra, giải quyết khiếu nại, phòng chống tham nhũng nào? Thời gian nộp cụ thể? Tường Vy – Hà Nội

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày 20/01/2024, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 01/2024/TT-TTCP (có hiệu lực thi hành từ ngày 05/03/2024) quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cụ thể:

1. Có những loại báo cáo nào?

Tại Điều 3 Thông tư 01/2024/TT-TTCP  quy định cụ thể về 03 báo cáo như sau:

- Báo cáo định kỳ là báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm.

- Báo cáo chuyên đề là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề thuộc lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định.

- Báo cáo đột xuất là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh bất thường trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc của Thanh tra Chính phủ.

2. Thời gian chốt số liệu, đối tượng thực hiện báo cáo, cơ quan nhận báo cáo và thời hạn gửi báo cáo

Theo đó, tại Điều 7 Thông tư 01/2024/TT-TTCP quy định về thời gian chốt số liệu, đối tượng thực hiện báo cáo, cơ quan nhận báo cáo và thời hạn gửi báo cáo:

(1) Thời gian chốt số liệu

- Đối với báo cáo định kỳ:

+ Báo cáo Quý I từ ngày 15 của tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 3 của năm báo cáo;

+ Báo cáo Quý II, Quý III, Quý IV từ ngày 15 của tháng cuối quý trước đến ngày 14 của tháng cuối quý báo cáo.

+ Báo cáo 6 tháng từ ngày 15 của tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 6 của năm báo cáo.

+ Báo cáo 9 tháng từ ngày 15 của tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 9 của năm báo cáo.

+ Báo cáo hằng năm từ ngày 15 tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 của năm báo cáo.

- Đối với báo cáo chuyên đề, đột xuất: Thời gian chốt số liệu theo yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Chính phủ.

(2) Đối tượng thực hiện báo cáo, cơ quan nhận báo cáo, thời hạn gửi báo cáo

- Đối với báo cáo định kỳ:

+ Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp huyện gửi báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện chậm nhất vào ngày 16 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo;

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp tỉnh gửi báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chậm nhất vào ngày 18 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, duyệt, gửi báo cáo Thanh tra Chính phủ chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo.

+ Cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp huyện gửi báo cáo cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp tỉnh chậm nhất vào ngày 15 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo;

Cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp tỉnh tổng hợp, duyệt, gửi báo cáo cơ quan được tổ chức theo ngành dọc cấp trung ương chậm nhất vào ngày 16 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo;

Cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tổng hợp, duyệt, gửi báo cáo bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chậm nhất vào ngày 18 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo;

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổng hợp, duyệt, gửi báo cáo Thanh tra Chính phủ chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo.

Cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp tỉnh, cấp huyện đồng thời gửi báo cáo đến cơ quan thanh tra và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để phục vụ quản lý. Cơ quan thanh tra và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không tổng hợp nội dung báo cáo của cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc vào báo cáo của mình.

+ Trong trường hợp cần thiết, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về thời hạn gửi báo cáo cho từng cấp theo thẩm quyền quản lý nhưng đảm bảo thời hạn gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo.

- Đối với báo cáo chuyên đề, đột xuất: đối tượng báo cáo, thời hạn gửi báo cáo thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Như vậy, Thông tư 01/2024/TT-TTCP quy định cụ thể về thời gian chốt số liệu, đối tượng thực hiện báo cáo, cơ quan nhận báo cáo và thời hạn gửi báo cáo đối với báo cáo định kỳ và báo cáo chuyên đề, đột xuất. Theo đó, tùy theo từng loại báo cáo, đối tượng báo cáo và cấp báo cáo mà có các quy định cụ thể về thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi báo cáo nhằm đảm bảo tính kịp thời, chính xác và thống nhất trong công tác báo cáo.

3. Hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo

- Báo cáo được thể hiện bằng văn bản giấy, văn bản điện tử, có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và được đóng dấu theo quy định.

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp ký báo cáo thì thực hiện theo quy định về ký thừa ủy quyền.

- Báo cáo được gửi tới cơ quan nhận báo cáo bằng hệ thống văn bản điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước và một trong số phương thức sau:

+ Gửi qua phần mềm hệ thống báo cáo của ngành Thanh tra;

+ Gửi qua thư điện tử của cơ quan hành chính nhà nước;

+ Gửi trực tiếp;

+ Gửi qua dịch vụ bưu chính;

+ Gửi qua Fax.

Đồng thời, số liệu báo cáo nhập liệu vào phần mềm hệ thống báo cáo của ngành Thanh tra theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

(Căn cứ Điều 8 Thông tư 01/2024/TT-TTCP)

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
251

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn