Bộ luật Hình sự 2015 ra đời với nhiều sửa đổi liên quan đến xóa án tích đối với người bị kết án, như quy định các trường hợp bị kết án nhưng không có án tích, rút ngắn thời gian xóa án tích, cách tính thời hạn xóa án tích cũng như thủ tục pháp lý thuận lợi hơn cho người bị kết án, giúp người phạm tội tích cực cải tạo tốt, chấp hành tốt pháp luật, sớm tái hòa nhập cộng đồng trở thành công dân tốt cho xã hội.
Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt (theo quy định tại khoản 2 Điều 69 BLHS).
Người bị kết án là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với mọi trường hợp phạm tội (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 107 BLHS).
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng với lỗi vô ý (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS).
Người bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương XII Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS quy định: Người bị kết án đương nhiên xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Thời hạn xóa án tích căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên và thời điểm tính thời hạn xóa án tích được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách của án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án. Tuy nhiên trong thời hạn quy định này cần phải chấp hành xong các quyết định còn lại có trong bản án bao gồm cả hình phạt bổ sung.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 73 BLHS quy định: Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
Thực tiễn áp dụng quy định về xóa án tích còn nhiều cách hiểu và quan điểm khác nhau, tác giả đưa ra vụ án cụ thể như sau:
Khoảng 01 giờ ngày 14/12/2019, Lê Văn C nảy sinh ý định trộm cắp tài sản nên chuẩn bị dao, bao nylon, đèn pin đến vườn mít của bà Nguyễn Thị D dùng dao cắt trộm 02 trái mít Thái rồi bỏ vào bao và đem về nhà cất giấu. Đến sáng cùng ngày, C dùng xe đạp chở mít đi bán, trên đường đi thì bị Công an tạm giữ cùng tang vật. Kết quả định giá tài sản kết luận 02 trái mít bị mất trộm trị giá 576.700 đồng.
Quá trình xác minh nhân thân của Lê Văn C thể hiện: Vào ngày 19/9/2017, Lê Văn C bị Tòa án xử 12 tháng cải tạo không giam giữ về hành vi trộm cắp tài sản. Chấp hành xong bản án ngày 19/9/2018, tính đến ngày 19/9/2019 thì được xóa án tích.
Ngày 05/6/2019 trong khi chưa được xóa án tích, Lê Văn C tiếp tục phạm tội trộm cắp 02 con gà trị giá 400.000 đồng. Đến ngày 29/11/2019 bị Tòa án xử 06 tháng tù cho hưởng án treo. Bản án này bị Viện kiểm sát kháng nghị và đang trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Đến ngày 14/12/2019, C tiếp thục thực hiện hành vi phạm tội trộm 02 trái mít trị giá 576.700 đồng.
Qua nội dung vụ việc nêu trên đối với hành vi trộm cắp ngày 05/6/2019, thì đương nhiên Lê Văn C phạm tội trong thời gian chưa được xóa án tích. Mặc dù tài sản Lê Văn C trộm cắp trị giá 400.000 đồng, tuy chưa đủ định lượng nhưng do Lê Văn C chưa đưa xóa án tích về hành vi chiếm đoạt nên việc khởi tố là có căn cứ. Tuy nhiên, đối với hành vi của Lê Văn C vào ngày 14/12/2019, trộm cắp tài sản là 02 trái mít trị giá 576.700 đồng thì việc xử lý Lê Văn C hiện nay đang có hai ý kiến không thống nhất.
Ý kiến thứ nhất: Hành vi trộm cắp tài sản của Lê Văn C vào ngày 14/12/2019 trị giá 576.700 đồng do thời điểm phạm tội này C đã được xóa án tích, tài sản phạm tội không đủ định lượng để xử lý hình sự nên Lê Văn C không phạm tội. Theo quy định tại tại khoản 2 điều 73 BLHS 2015 quy định “Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành”. Từ đó có thể thấy rằng, bản án vào ngày 19/9/2017 xét xử Lê Văn C tính đến ngày 19/9/2019 mới được xóa án tích, tuy nhiên đến ngày 05/6/2019 Lê Văn C trộm cắp tài sản trị giá 400.000 đồng nên đã sử dụng tiền án này để xét xử C, do bản án này bị Viện kiểm sát kháng nghị nên đang trong quá trình xét xử phúc thẩm chưa có hiệu lực thi hành, nên chưa thể xác định là lần này C có phạm tội hay không. Vì theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì C chưa có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nên không thể khẳng định C trộm cắp vào ngày 14/12/2019 là đang trong thời gian chưa được xóa án tích. Do vậy, không đủ căn cứ để xử lý hình sự C về hành vi trộm cắp tài sản vào ngày 14/12/2019.
Ý kiến thứ hai: Hành vi trộm cắp tài sản của Lê Văn C vào ngày 14/12/2019, tuy chưa đủ định lượng, nhưng do vào ngày 05/6/2019 C đã có hành vi trộm cắp tài sản chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục phạm tội nên đủ căn cứ khởi tố C về Tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS năm 2015. Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS 2015 thì một người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo…
Trong thời gian Lê Văn C chưa được xóa án tích thì ngày 05/6/2019 C lại tiếp tục phạm tội, tuy tài sản C trộm ngày 05/6/2019 chưa đủ định lượng nhưng C đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản trước đó, do vậy trong thời gian chưa được xóa án tích mà C lại trộm cắp tài sản nên xác định lần trộm cắp vào ngày 14/12/2019 vẫn phải xem là C phạm tội trong thời gian chưa được xóa án tích. Bên cạnh đó, bản án xét xử C chưa có hiệu pháp luật nhưng không thể cho rằng phải có bản án đã có hiệu lực pháp luật thì mới biết được C có phạm tội hay không phạm tội, mà theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS 2015 quy định “Phạm tội mới” có nghĩa là chỉ cần có vi phạm pháp luật hình sự chứ không đồng nghĩa với “việc Tòa án phải ra bản án kết tội một người nào đó phạm tội” nên không cần thiết phải có bản án đã có hiệu lực pháp luật thì mới cho rằng C có phạm tội hay không phạm tội.
Tác giả đồng quan điểm với ý kiến thứ nhất, như đã phân tích ở trên, ngày 29/11/2019 Lê Văn C bị Tòa án xử 06 tháng tù cho hưởng án treo. Bản án này bị Viện kiểm sát kháng nghị và đang trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm nên chưa có hiệu lực thi hành, căn cứ vào quy định “Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành” thì chưa thể xác định lần trộm cắp tài sản vào ngày 05/6/2019 của Lê Văn C là có tội hay không, từ đó để xác định lần trộm cắp tài sản của Lê Văn C vào ngày 14/12/2019 là đang trong thời gian chưa được xóa án tích.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 70 BLHS 2015 quy định “… không thực hiện hành vi phạm tội mới” được hiểu như thế nào, chỉ cần có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì được xem là phạm tội mới hay hành vi phạm tội mới phải có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo tác giả, qua những phân tích trên, từ đó áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can nên lần trộm cắp tài sản vào ngày 14/12/2019 Lê Văn C không phạm tội.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp áp dụng pháp luật được thống nhất tác giả đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể khi áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 73 BLHS về chế định xóa án tích.
Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án