16/06/2021 14:35

Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án vô hiệu là việc dân sự hay vụ án dân sự

Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án vô hiệu là việc dân sự hay vụ án dân sự

Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án vô hiệu và/hoặc yêu cầu hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó (ví dụ: hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là việc dân sự hay vụ án dân sự. Chấp hành viên sẽ thực hiện theo thủ tục nào và Tòa án sẽ thụ lý giải quyết theo thủ tục nào? Bài viết dưới đây sẽ nêu các quan điểm và đề xuất hướng dẫn để áp dụng thống nhất trên thực tiễn

Tình huống pháp lý

Trong thực tiễn hoạt động thi hành án, không ít trường hợp sau khi có bản án/quyết định của Tòa án, người có nghĩa vụ không tự nguyện thi hành án mà tẩu tán, chuyển dịch tài sản cho người khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật THADS) trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. Tuy nhiên, quy định này không nêu rõ Tòa án sẽ thụ lý theo thủ tục việc dân sự hay vụ án dân sự[1].

Như vậy, trường hợp Chấp hành viên đã thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án tuyên bố các giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án vô hiệu thì Chấp hành viên phải thực hiện công việc này[2]. Vấn đề pháp lý đặt ra là việc Chấp hành viên yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án vô hiệu và/hoặc yêu cầu hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó (ví dụ: hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là việc dân sự hay vụ án dân sự. Chấp hành viên sẽ thực hiện theo thủ tục nào và Tòa án sẽ thụ lý giải quyết theo thủ tục nào?

Thực tiễn xét xử

Vấn đề này hiện nay trong thực tiễn xét xử vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

- Quan điểm thứ nhất cho rằng việc Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án vô hiệu và/hoặc yêu cầu hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó là một việc dân sự. Tòa án phải thụ lý và giải quyết theo thủ tục việc dân sự. Chẳng hạn theo một bản án: “Mặt khác, chấp hành viên không phải là một trong các bên liên quan trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này nên không có quyền tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu của chấp hành viên trong trường hợp này thực chất là việc dân sự, yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng để xác định hợp đồng có hiệu lực hay vô hiệu, nếu vô hiệu thì quyền sử dụng đất này vẫn thuộc về ông L, bà N , cần phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông P , bà T thì cơ quan thi hành án sẽ kê biên tài sản này để cưỡng chế thi hành án cho người được thi hành án là ông T”…Lẽ ra khi thụ lý đơn khởi kiện thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho chấp hành viên sửa đổi đơn khởi kiện thành đơn yêu cầu và thụ lý giải quyết theo trình tự thủ tục giải quyết việc dân sự, nếu chấp hành viên không thực hiện thì trả lại đơn cho chấp hành viên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự. Trường hợp đã thụ lý thì phải đình chỉ trả lại đơn khởi kiện cho chấp hành viên”[3]. Tương tự, Vụ pháp chế và quản lý khoa học - Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho rằng đối với yêu cầu của Chấp hành viên về việc tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 75 Luật THSDS thì Tòa án cần thụ lý là một việc dân sự[4].

- Quan điểm thứ hai cho rằng việc Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án vô hiệu và/hoặc yêu cầu hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó theo khoản 2 Điều 75 Luật THADS phải được thụ lý và giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự. Quan điểm này được thể hiện trong một bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng vào năm 2019[5]. Nội dung vụ án thể hiện: vợ chồng ông H, bà L có nghĩa vụ phải trả nợ cho bà L1 và bà N. Trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã xác minh và biết ông H và bà L có tài sản là nhà và đất ở tại thành phố T1, tỉnh Quảng Nam, nhưng sau đó không dùng để trả nợ mà đã đem tài sản là nhà và đất của mình làm thủ tục tặng cho bà Nguyễn Thị M (em ruột bà L), được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đăng ký biến động ngày 21/10/2016. Do đó, để đảm bảo việc thi hành án, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T1 yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bên tặng cho ông H và bà L và bên được tặng cho bà Nguyễn Thị M được Văn phòng Công chứng Q công chứng ngày 7/10/2016 vô hiệu; hủy đăng ký biến động sang tên bà Nguyễn Thị M của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai T1 ngày 21/10/2016. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự và ra bản án số 34/2018/DSST ngày 09/11/2018 theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Chấp hành viên. Do đương sự có kháng cáo nên sau đó vụ việc được Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng thụ lý giải quyết. Sau khi xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ban hành bản án số số 62/2019/DS-PT ngày 14/6/2019 với nội dung không chấp nhận yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

  Như vậy, khác với  quan điểm thứ nhất, trong trường hợp này, khi phát hiện có giao dịch nhằm tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, Chấp hành viên thực hiện việc yêu cầu Tòa án tuyên bố các giao dịch này vô hiệu và hủy các giấy tờ liên quan. Tòa án đã thụ lý và giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Thực tiễn xét xử, không ít trường hợp khác Tòa án cũng theo hướng này[6].

Đề xuất, kiến nghị 

Việc xác định đúng và thụ lý chính xác vụ việc theo thủ tục việc dân sự hay vụ án dân sự không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn ảnh hưởng đến kết quả của việc giải quyết. Đặc biệt, trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, các đương sự sẽ có cơ hội tham gia các phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ, từ đó có phương án hòa giải hoặc được Tòa án tạo điều kiện hòa giải. Đây là điều mà ở thủ tục giải quyết việc dân sự không có. Ngoài ra, các vấn đề khác như thời hiệu, thời hạn giải quyết, thành phần giải quyết, án phí, lệ phí… cũng khác nhau giữa vụ án dân sự và việc dân sự.

Theo quy định tại Điều 316 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Về mặt lý luận, điểm khác biệt giữa việc dân sự và vụ án dân sự là yếu tố có hay không có tranh chấp giữa các đương sự về quyền và lợi ích[7]. Thực tiễn xét xử Tòa án cũng phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự dựa trên yếu tố có tranh chấp hay không có tranh chấp. Chẳng hạn theo một quyết định: “Tại Biên bản ghi lời khai ngày 18/10/2018 của ông Đoàn Văn Đ; Tờ tường trình ngày 01/10/2018 của ông Đoàn Văn K đều không đồng ý yêu cầu của ông Lê Minh T, tức là đã có sự tranh chấp và đến nay vẫn còn tranh chấp. Do vậy, các yêu cầu của ông Lê Minh T không thỏa mãn điều kiện không có tranh chấp nên không được xem là việc dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý, giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Lê Minh T bằng thủ tục giải quyết vụ án dân sự là đúng, nhưng lại quyết định chuyển vụ án dân sự thành việc dân sự và đã giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Lê Minh T bằng thủ tục giải quyết việc dân sự là không có cơ sở và không đúng theo các quy định của pháp luật đã viện dẫn trên”[8].

Như vậy, đối chiếu với vấn đề pháp lý đã đặt ra, trong tình huống người phải thi hành án không tự nguyện thi hành mà có hành vi tẩu tán tài sản của mình cho chủ thể thứ ba nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định giao dịch giữa người phải thi hành án và người thứ ba vô hiệu. Mặt dù trường hợp này, Chấp hành viên không phải là chủ thể tham gia xác lập giao dịch và cũng không tranh chấp trực tiếp với các đương sự trong giao dịch đó. Tuy nhiên, khi chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch nêu trên vô hiệu, các chủ thể đã tham gia giao dịch không đồng ý và cho rằng giao dịch của họ là có hiệu lực, khi đó có mâu thuẫn trong quan điểm của Chấp hành viên và các chủ thể tham gia giao dịch. Bên cạnh đó, người được thi hành án sẽ được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc này và họ sẽ đồng quan điểm với Chấp hành viên, cho rằng giao dịch nêu trên là vô hiệu. Do đó, vụ việc này tồn tại 02 nhóm chủ thể với 02 quan điểm khác biệt, đối lập nhau. Giữa họ có sự mâu thuẫn về quyền và lợi ích hợp pháp. Vậy nên, yếu tố tranh chấp đã tồn tại ngay từ khi bên phải thi hành án tẩu tán tài sản. Đối chiếu với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng như thực tiễn xét xử hiện nay thì không thể xác định tình huống nêu trên là một việc dân sự mà phải là vụ án dân sự. Ngược lại nếu các chủ thể trong giao dịch đều công nhận và đồng ý đề nghị Tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu thì yếu tố tranh chấp không tồn tại và Tòa án có thể thụ lý giải quyết theo thủ tục việc dân sự.

Những người theo quan điểm thứ nhất nêu trên, tức trường hợp Chấp hành viên yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu là việc dân sự có thể lý giải theo câu chữ của Điều 75 Luật THADS. Bởi lẽ, tại khoản 1 điều luật này, nhà làm luật dùng các thuật ngữ như “tranh chấp”, “khởi kiện”, trong khi đó tại khoản 2 lại dùng từ “yêu cầu Tòa án”. Như vậy, có thể coi các trường hợp tại khoản 1 Điều 75 là vụ án dân sự còn các trường hợp tại khoản 2 Điều 75 là việc dân sự. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, Luật THADS vẫn chưa có sự rõ ràng. Trong khi đó, các quy định về tố tụng phải tuân theo Bộ luật tố tụng dân sự, và với phân tích trên, quan điểm giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự cho tình huống này sẽ phù hợp hơn cả về lý luận lẫn thực tiễn. Bên cạnh đó, cũng là trường hợp tại khoản 2 Điều 75 Luật THADS thì nếu không phải Chấp hành viên yêu cầu mà người được thi hành án yêu cầu thì thực tiễn xét xử Tòa án đều thụ lý theo thủ tục vụ án dân sự. Do đó, cùng một vụ việc, cùng một nội dung yêu cầu, không thể nếu chấp hành viên yêu cầu thì là việc dân sự còn đương sự khác yêu cầu thì là vụ án dân sự. Cách giải thích dựa vào thuật ngữ “yêu cầu Tòa án” để cho rằng trường hợp Chấp hành viên yêu cầu tại khoản 2 Điều 75 Luật THADS là việc dân sự không có tính thuyết phục.

Từ những phân tích nêu trên, để tránh sự lúng túng và không thống nhất trong thực tiễn xét xử hiện nay, chúng tôi cho rằng Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có hướng dẫn trường hợp này theo hướng trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu, hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch theo khoản 2 Điều 75 Luật THADS thì phải xác định đây là vụ án dân sự để giải quyết theo trình tự thủ tục giải quyết vụ án dân sự./.

ThS. NGUYỄN SƠN HẢI Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Nguồn: Tạp chí Tòa án

[1] Theo một Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh: “Khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định:“Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu...”. Như vậy, Luật thi hành án dân sự không quy định cụ thể trong trường hợp này Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu bằng thủ tục giải quyết việc dân sự hay thủ tục giải quyết vụ án dân sự”. Xem Quyết định Số: 664/2019/QĐPT-DS ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Cần lưu ý chủ thể thực hiện việc yêu cầu Tòa án giải quyết là Chấp hành viên của Cơ quan Thi hành án dân sự chứ không phải Cơ quan Thi hành án dân sự. Trong thực tiễn xét xử có trường hợp nhầm lẫn trong chủ thể có quyền yêu cầu này dẫn đến bản án bị hủy. Chẳng hạn: “Như vậy, theo các quy định trên thì quyền yêu cầu Toà án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung là của đương sự, người có tranh chấp, người được thi hành án, chấp hành viên. Quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu là của người được thi hành án; quyền có văn bản yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu là của Chấp hành viên. Toà án cấp sơ thẩm phải trả lại đơn khởi kiện cho Chi cục Thi hành án Dân sự huyện T, tỉnh Phú Thọ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; trường hợp đã thụ lý thì phải đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015…Vì vậy, Bản án dân sự thẩm thẩm số: 02/2017/DS-ST ngày 31/5/2017 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Phú Thọ phải huỷ và đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 4 Điều 308 và Điều 311 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Xem: Bản án số: 74/2017/DS-PT Ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ về Tranh chấp tài sản bị cưỡng chế thi hành án.

[3] Bản án số 76/2018/DS-PT ngày 10-4-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang về Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

[4] Xem: Công văn số 280/V14 ngày 07/5/2019 của Vụ 14 gửi Vụ 9 Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc phố hợp trả lời thỉnh thị.

[5] Xem Bản án số 62/2019/DS-PT ngày 14/6/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về Tranh chấp về giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án vàyêu cầu hủy quyết định cá biệt.

[6] Trong một vụ việc tương tự, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thụ lý và giải quyết yêu cầu khởi kiện của Chấp hành viên theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Xem: Bản án số 24/2018/DS-ST ngày 03 - 10 – 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về tranh chấp tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và hủy quyết định cá biệt.

[7] Nguyễn Thị Hồng Nhung (Chủ Biên) (2016), Giáo trình Luật tố tụng dân sự, NXB ĐHQG Hồ Chí Minh, tr.315.

[8] Xem Quyết định Số: 664/2019/QĐPT-DS ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

1784

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]