19/03/2024 17:32

Cha/mẹ ép con đưa tiền có phải là cưỡng đoạt tài sản?

Cha/mẹ ép con đưa tiền có phải là cưỡng đoạt tài sản?

Từ khi sinh tôi ra cha đã bỏ đi nơi khác và không cùng mẹ nuôi nấng tôi, tôi chỉ mới gặp cha được vài lần. Bây giờ tôi đã lớn và đi làm thì cha tôi quay lại tìm tôi và ép tôi đưa tiền, thậm chí còn đe dọa tôi và mẹ nếu tôi không đưa. Cho tôi hỏi hành vi này của cha tôi có phải là cưỡng đoạt tài sản không? (Thiên Nhân - Khánh Hòa)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cha/mẹ ép con đưa tiền có phải là cưỡng đoạt tài sản?

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015, quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:

- Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

+ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, khi cha/mẹ có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc là có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần con như dùng lời nói hoặc hành động để khiến con cảm thấy sợ hãi, lo lắng, buộc phải đưa tiền thì sẽ được xem là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo đó hành vi này sẽ bị phạt tù có thể lên đến 20 năm, và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần/toàn bộ tài sản.

2. Có được lấy tiền con chưa thành niên sử dụng với mục đích riêng không?

Theo đó, tại Điều 76 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc quản lý tài sản riêng của con như sau:

- Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

- Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

- Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.

Bên cạnh đó, tại Điều 77 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng có nêu rằng:

- Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

- Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

- Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.

Do đó, dựa vào các quy định trên, thì con dưới 15 tuổi sẽ được cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con, nhưng chỉ được định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con. Trường hợp con đã đủ 15 tuổi trở lên thì thì được quyền quản lý tài sản riêng của mình. 

Như vậy, việc cha/mẹ lấy tiền của con chưa thành niên sử dụng với mục đích riêng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu vì hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình theo quy định tại Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
435

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn