02/03/2024 07:45

Cha/mẹ có được thay con chưa thành niên bán đất của con được thừa kế không?

Cha/mẹ có được thay con chưa thành niên bán đất của con được thừa kế không?

Con gái tôi được thừa kế một mảnh đất do cha con để lại theo di chúc. Nay, tôi muốn bán mảnh đất này để lấy tiền chữa bệnh cho con. Vậy tôi có được đứng ra bán mảnh đất đó thay con gái 12 tuổi của tôi không? (Kim Liên - Long An)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cha/mẹ có được thay con chưa thành niên bán đất của con được thừa kế không?

Căn cứ vào Điều 21 Bộ Luật Dân sự 2015 về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi quy định như sau:

- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định rằng con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.

Việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên sẽ được quy định tại Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, theo đó:

- Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

- Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định rằng dù con chưa thành niên hay thành niên đều có quyền có tài sản riêng, tài sản con được thừa kế riêng cũng là tài sản riêng của con. Tuy nhiên, việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên phải có sự tham gia của cha me, ngoại trừ các trường hợp con chưa thành niên có quyền tự định đoạt tài sản riêng của mình theo quy định.

Trong trường hợp của chị, con gái 12 tuổi được xem là chưa thành niên, chị sẽ có quyền định đoạt tài sản của con là mảnh đất được thừa kế, nhưng với điều kiện phải vì lợi ích của con. Trường hợp chị bán đất để lấy tiền chữa bệnh cho con có thể được xem xét là “vì lợi ích của con”.

Tuy nhiên, vẫn phải xem xét thêm nguyện vọng của con, nếu con đồng ý để chị bán đất của con thì con có thể lập văn bản ủy quyền cho chị, khi đó chị sẽ có thể bán mảnh đất đó.

2. Các trường hợp con không được hưởng thừa kế từ cha mẹ

Con sẽ không được thừa kế các di sản từ cha mẹ nếu thuộc các trường hợp sau đây:

- Con không còn sống vào thời điểm thừa kế: Theo đó, người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết theo quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự 2015.

- Con thuộc một trong 04 trường hợp quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp cha mẹ, người để lại di sản biết con có những hành vi nêu trên nhưng vẫn để lại di sản cho họ thì họ vẫn được hưởng di sản theo di chúc:

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

+ Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

+ Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

- Con bị truất quyền thừa kế: người để lại di sản truất quyền thừa kế ngay trong di chúc thì người thừa kế sẽ không được hưởng di sản thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 626 Bộ luật dân sự 2015.

- Con không có tên trong di chúc thừa kế: nếu cha mẹ có di chúc nhưng trong di chúc không đề cập để lại tài sản cho con, người con sẽ không được hưởng thừa kế di sản.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1865

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn