03/11/2023 17:45

Cha mẹ cấp dưỡng cho con có thể chuyển giao cho người khác không?

Cha mẹ cấp dưỡng cho con có thể chuyển giao cho người khác không?

Cha mẹ cấp dưỡng cho con có thể chuyển lại cho người khác được không? Lan Anh - Điên Biên

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cấp dưỡng là gì?

Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định: "Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này"

Đồng thời, tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định: "Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con"

Có thể thấy, cấp dưỡng cho con là nghĩa vụ của cha mẹ khi:

- Con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

- Bố/mẹ không chung sống với con hoặc có chung sống nhưng bị tòa án tuyên bố vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Như vậy, cấp dưỡng là nghĩa vụ của người cấp dưỡng hỗ trợ cho người được cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản khác, để người được cấp dưỡng có thể sinh sống.

2. Cha mẹ cấp dưỡng cho con có thể chuyển giao cho người khác không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì "Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác."

Tuy nhiên, vẫn có một trường hợp ngoại lệ nghĩa vụ cấp dưỡng có thể được chuyển giao.

Tại Điều 6 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định "Các quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình trong trường hợp Luật này không quy định"

Như vậy, trong trường hợp luật hôn nhân gia đình không có quy định về vấn đề chuyển giao việc cấp dưỡng, thì áp dụng quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 593 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định "Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây:

a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;

b) Người thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết."

Đây là một trường hợp đặc biệt khi chuyển giao nghĩa vụ cấp dưỡng, mà không theo ý chí của người cấp dưỡng. Khi người cấp dưỡng chết thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ được chuyển giao cho người gây ra thiệt hại về tính mạng, nếu người cấp dưỡng có người đang được cấp dưỡng. Quy định này nhằm mục đích bảo vệ cho người đang được cấp dưỡng có thể được hưởng trọn vẹn lợi ích về việc cấp dưỡng của mình.

Như vậy, cha mẹ nếu tự ý chuyển giao nghĩa vụ cấp dưỡng của mình cho người khác thì không thể thực hiện được, vì đây là hành vi trái với quy định pháp luật. Tuy nhiên nếu thuộc trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 593 Bộ Luật dân sự 2015 thì nghĩa vụ có thể chuyển giao cho một người khác.

Nguyễn Ngọc Diện
793

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]