18/10/2019 07:53

Cấu thành tội cho vay nặng lãi, ngoài lãi suất cao còn cần gì để kết tội?

Cấu thành tội cho vay nặng lãi, ngoài lãi suất cao còn cần gì để kết tội?

Tín dụng đen là tên gọi chung của các hình thức cho vay nặng lãi. Đây là hành vi bị pháp luật cấm và có thể bị xử lý hình sự. Vậy nếu dấu hiệu nhận biết lãi suất cao ngất ngưỡng là chưa đủ thì còn cần gì để cấu thành loại tội phạm này?

Cụ thể tại Bản án 95/2019/HS-ST ngày 14/06/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình có nội dung như sau:

“Ngày 20/11/2017 đến 6/2018, Tạ Quang T cho chị L và chị Nguyễn Hồng N vay tổng số tiền là 90.000.000 đồng vỡi lãi suất thỏa thuận là 20.000 đồng/01 triệu đồng/01 ngày, lãi nợ là 190.000.000 đồng. Tổng cả tiền gốc và tiền lãi thành 280.000.000 đồng, chị N, chị L mỗi người nợ 140.000.000 đồng.

Khoảng tháng 10/2018, do chị L và chị N không trả được tiền nên bị cáo T tiếp tục tính lãi suất số tiền chị L và chị N còn nợ, với lãi suất 5.000 đồng/01 triệu đồng/01 ngày, chị L và chị N đồng ý.  Như vậy, chị L phải trả bị cáo T số tiền 20.100.000 đồng tiền lãi một tháng, chị N phải trả bị cáo T số tiền 19.500.000 đồng tiền lãi một tháng (tính từ ngày 08/10/2018).

Trong một lần đến nhà chị N và L đòi tiền lãi thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình kiểm tra và lập biên bản sự việc.

Ngày 04/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của bị cáo Tạ Quang T, thu giữ 47 tờ giấy nhận tiền lưu trữ thông tin khách hàng nhận tiền của anh Đặng Đức L, sinh năm 1976, trú tại số nhà 205, đường K, phường P, thành phố B và 51 tờ giấy vay tiền lưu trữ thông tin khách hàng vay tiền của Phạm Văn Đ, sinh năm 1983, trú tại thôn N, xã L, thành phố B.”

Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình đã xử phạt T bị cáo Tạ Quang T 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng cải tạo không giam giữ.

Trước hết, cùng tìm hiểu quy định của pháp luật về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, hành vi này được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hiện nay, lãi suất giao dịch dân sự được quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Như vậy, khi cho vay mà lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, tức là lãi suất từ 100%/năm trở lên thì việc cho vay đã có dấu hiệu hình sự.

Ngoài điều kiện về lãi suất, hành vi phạm tội trên còn phải có đủ một trong các điều kiện sau: Một là, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hai là, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng trong thời hạn là mười hai tháng; ba là, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Đối với các điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, thì quy định của pháp luật rõ ràng, cách hiểu đều thống nhất. Riêng điều kiện thu lợi bất chính thì còn cách hiểu thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên chưa được thống nhất.

Mặt khác, cách hiểu quy định thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng có nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất, cho rằng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là số tiền này được tính của tất cả các hợp đồng cho vay cộng lại để làm căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử, không được trừ phần tiền thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay.

Quan điểm thứ hai, cho rằng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên được tính trên cơ sở tiền thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay và được tính trên từng hợp đồng vay để xác định cấu thành tội phạm.

Quan điểm thứ ba, cho số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên được tính trên cơ sở đã trừ phần thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ và được tính trên từng hợp đồng vay để xác định cấu thành tội phạm, không được tính trên tổng các hợp đồng vay để xác định cấu thành tội. Bởi lẽ trong khi áp dụng pháp luật người tiến hành tố tụng có thể được áp dụng biện pháp tương tự, như xác định cấu thành cơ bản của tội Trộm cắp tài sản, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trường hợp chưa có tiền sự, tiền án về hành vi chiếm đoạt tài sản) mà tài sản trộm cắp, tài sản lừa đảo phải có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên. Đối với lần trộm cắp tài sản, lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 02 triệu đồng thì không cấu thành tội.

Trên thực tế, trước khi có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ của Quốc hội nên việc áp dụng xử lý đối với loại tội này gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra còn gây khó khăn, không đồng nhất trong việc áp luật của Tòa án đặc biệt trong thời gian hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các vụ án về tội cho vay lãi nặng.

Bản án 95/2019/HS-ST được Tòa án nhân dân thành phố tỉnh Thái Bình xử ngày 14/06/2019 đã thể hiện quan điểm của thẩm phán về cách thức tính tiền lãi thu lợi bất chính như sau:

Ví dụ: là tiền lãi thu lợi bất chính, là tiền lãi thu được của khoản vay. là số ngày vay tiền, là số tiền vay.

A= B - (20%÷365×C×D)

Trong đó: 20% là phần trăm vay tối đa trên 1 năm của khoản vay theo thỏa thuận, 365 là số ngày của 1 năm.

Đến ngày ngày 13 tháng 09 năm 2019 Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 212/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử. Trong đó có hướng dẫn về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự) như sau:

- Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi thu được từ việc cho vay hay là khoản tiền lãi thu được sau khi trừ đi tiền lãi theo quy định của Bộ luật Dân sự?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...”. Do đó, khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Như vậy, Tòa án đã áp dụng quan điểm thứ ba, đúng theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao mặc dù xét xử vụ án trước ngày có công văn hướng dẫn.”

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hiện nay đang xuất hiện khá nhiều, hậu quả là gây thiệt hại về tài sản cho người vay, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về tín dụng. Hơn nữa, hầu hết tất cả bên cho vay nặng lãi đều hành xử theo kiểu “xã hội đen”, ngoài khiến nhiều cá nhân, gia đình khánh kiệt còn có nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội.

Do đó, việc Tòa án nhân dân tối cao đưa ra Công văn số 212/TANDTC-PC hướng dẫn một số vướng mắt về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” cho thấy sự quan tâm của ngành tòa án đến loại tội phạm này, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của xã hội, kịp thời ngăn ngừa hành vi cho vay nặng lãi và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xử lý hành vi cho vay nặng lãi.

Quang Chính
24126

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn