Theo BÁO CÁO NHANH về công tác phòng, chống thiên tai ngày 13/9/2024 của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tình hình thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 và mưa lũ tính đến 06h00 ngày 14/9 như sau:
Tải BÁO CÁO NHANH về công tác phòng, chống thiên tai ngày 13/9/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/bao-cao-nhanh.doc
* Về người: 345 người chết, mất tích (262 người chết, 83 người mất tích), tăng 09 người (Quảng Ninh tăng 10, Thanh Hóa tăng 01, Yên Bái tăng 05; Lào Cai giảm 07 người), cụ thể:
- Lào Cai: 172 người (111 người chết, 61 người mất tích), gồm: Bảo Yên 103, Sa Pa 09, Bát Xát 17, Si Ma Cai 07, Bắc Hà 34, Văn Bàn 02.
- Yên Bái: 55 người (53 người chết, 02 người mất tích), gồm: TP Yên Bái 24, Lục Yên: 15, Văn Yên 10, Văn Chấn 02, Trấn Yên 04.
- Cao Bằng: 52 người (43 người chết, 09 người mất tích).
- Quảng Ninh: 25 người chết do bão.
- Hải Phòng: 02 người chết do bão.
- Hải Dương: 01 người chết do bão.
- Hà Nội: 01 người chết do bão.
- Phú Thọ: 11 người (01 người chết do sạt lở đất; 01 người chết do lũ; 08 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 01 người mất tích do lũ).
- Hòa Bình: 07 người chết do sạt lở đất.
- Lạng Sơn: 03 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất.
- Bắc Giang: 02 người chết do lũ cuốn.
- Tuyên Quang: 05 người chết do lũ.
- Hà Giang: 02 người (01 người chết; 01 người mất tích).
- Lai Châu: 01 người chết do sạt lở đất.
- Vĩnh phúc: 02 người chết do lũ.
- Sơn La: 01 người mất tích do lũ cuốn.
- Thái Nguyên: 02 người chết do lũ.
- Thanh Hóa: 01 người chết do lũ cuốn.
* Người bị thương: 1.908 người, trong đó: Quảng Ninh 1.609, Hải Phòng 49, Hải Dương 05, Hà Nội 23, Bắc Giang 12, Bắc Ninh 52, Hà Giang 01, Lạng Sơn 10, Lào Cai 82, Yên Bái 31, Cao Bằng 17, Phú Thọ 07, Bắc Kạn 04, Hoà Bình 02, Vĩnh Phúc 02, Thanh Hoá 02.
* Nhà hư hỏng: 168.253 nhà (tăng 31.548 nhà); tập trung tại: Quảng Ninh 102.467, Hải Phòng 40.065, Lào Cai 5.055, Lạng Sơn 3.568, Bắc Ninh 3.472, Bắc Giang 3.289, Yên Bái 1.910,...; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị thiệt hại.
* Nhà bị ngập: 73.248 nhà (tăng 5.595 nhà); tập trung tại: Yên Bái 21.451, Tuyên Quang 19.122, Lạng Sơn 6.945, Lào Cai 6.581, Hà Nội 6.521, Thái Nguyên 5.000, Ninh Bình 3.674, Nam Định 2.114).
* Về nông nghiệp:
- 183.394ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (giảm 18.700ha); tập trung tại: Hải Phòng 23.873ha; Nam Định 18.102ha; Bắc Giang 18.779ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 27.318ha; Hải Dương 7.755ha; Hà Nam 7.928ha; Bắc Ninh 9.981ha; Vĩnh Phúc 9.830ha,…
- 44.071ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tăng 4.773ha); tập trung tại: Hoà Bình 7.301ha; Hải Phòng 5.116ha; Hà Nội 4.046ha; Nam Định 3.800ha; Thái Bình 3.345ha; Hải Dương 3.202ha; Lạng Sơn 2.669ha, Vĩnh Phúc 2.296ha, Tuyên Quang 1.933ha,…
- 23.661 ha cây ăn quả bị hư hại; tập trung tại: Bắc Giang 6.669ha; Hải Dương 4.372ha; Hà Nội 3.924ha; Hưng Yên 2.953ha; Hải Phòng 2.043ha; Thái Bình 1.385ha,…
- 2.250 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; tập trung tại: Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 434,...
- 9.079 con gia súc, 1.956.449 con gia cầm bị chết; tập trung tại: Hải Phòng 713.303; Hải Dương 388.605; Thái Nguyên 292.696; Quảng Ninh 262.222,….
Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã có Công văn 480/MT-SKMT ngày 06/9/2024 về việc tập trung ứng phó bão lũ số 3 và mưa lũ. Trong đó, phụ lục I ban hành kèm theo Công văn 480/MT-SKMT đính kèm theo đường link của Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường mùa bão lụt.
Theo đó, trong Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường mùa bão lụt có hướng dẫn xử lý xác súc vật và chôn cất tử thi khi ngập lụt như sau:
* Hướng dẫn xử lý xác súc vật khi ngập lụt:
- Trước khi chôn xác súc vật chết hoặc bị bệnh cần xử lý bằng vôi bột hoặc hoá chất sát trùng, tốt nhất là bao gói kín bằng vật liệu không thấm nước và chôn ở nơi đất cao, xa nguồn nước và khu dân cư.
- Đào hố chôn sao cho tất cả xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8 m, đổ 2 - 3 kg vôi bột lên trên, hoặc phun dung dịch hoá chất khử khuẩn, tẩy uế rồi lấp đất, lèn chặt.
- Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới.
- Trường hợp phải chôn ở nơi có nguy cơ ngập nước thì phải lèn chặt bằng đất đá không để xác súc vật nổi lên. Những nơi có điều kiện có thể thiêu huỷ xác động vật chết.
* Hướng dẫn chôn cất tử thi khi ngập lụt:
- Tử thi phải được chôn ở các nghĩa trang.
- Trong trường hợp nghĩa trang bị ngập nước, tử thi phải được chôn ở nơi đất cao đã được địa phương bố trí trước và phải được đánh dấu để dễ tìm lại.
- Trường hợp tử thi có hiện tượng bốc mùi hoặc thối rữa thì phải xử lý bằng chế phẩm khử khuẩn và phải được bao gói kín tránh gây ô nhiễm môi trường.
- Những nơi có hỏa táng thì nên chở đến nơi có lò hỏa táng càng sớm càng tốt.